Việt Nam cần khôi phục khoảng không thiên nhiên trong thành phố

Hà Nội có sông Hồng, Thành phố Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn, đều có thể là không gian thiên nhiên thoáng đẹp, song một số lưu vực ở 2 con sông này đang có nhiều khu công nghiệp đe dọa gây ô nhiễm.
Việt Nam cần khôi phục khoảng không thiên nhiên trong thành phố ảnh 1Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tương tác giữa không gian kiến trúc và hạ tầng đô thị là vấn đề thu hút sự quan tâm tại hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam” do Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam (VUDPA) tổ chức tại Hà Nội ngày 5/6.

Chủ tịch VUDPA Trần Ngọc Chính nhận xét, trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh đã và đang có những tác động đáng kể đến hình ảnh đô thị, nhất là khu vực các đô thị trung tâm thành phố.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đô thị phát triển thiếu bền vững; trong đó có lĩnh vực tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan.

Do phát triển nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát tình trạng dân cư tự phát, gia tăng mật độ xây dựng... đã gây sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

[Hà Nội quyết "không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường"]

Tại những khu vực có mức độ đô thị hóa cao hoặc hai bên tuyến đường mới mở hay khu vực mở rộng nội đô xuất hiện tình trạng gia tăng các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc so với quy định. Do đó, hạ tầng bị quá tải, tắc nghẽn giao thông thường xuyên - ông Chính phân tích.

Tại hội thảo, chuyên gia Nhật Bản Ying Zhao Noriko Akita lại đặt vấn đề làm thế nào để bảo tồn không gian xanh trong các vùng siêu đô thị dựa trên quy định về không gian xanh.

“Chúng ta không thể quên đi mối quan hệ giữa những địa hình mới của các công trình và hệ thống giao thông, bởi cùng lúc sẽ có những tác động lớn lên cảnh quan. Các khu dân cư mới trong thành phố cần được tăng thêm diện tích cây xanh, nhưng điều quan trọng nhất là phải nghiên cứu để có hệ thống hạ tầng kết nối một cách đồng bộ,” chuyên gia này đề xuất.

Theo Kiến trúc sư Salvador Perez Aroyo - giáo sư danh dự trường Đại học London, mục tiêu quan trong nhất ở Việt Nam hiện nay là nên khôi phục tất cả những khoảng không thiên nhiên và tích hợp chúng vào trong thiết kế của thành phố. Đơn cử như cảnh quan ấn tượng tại 2 đô thị lớn là sông Hồng của Hà Nội và sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tại tại một số lưu vực của 2 con sông này lại đang xây dựng nhiều khu công nghiệp và đe dọa trở thành tụ điểm gây ô nhiễm. Trong khi đó, cả 2 con sông này đều rất lớn, có nhiều dân cư sinh sống dọc theo bờ. Vì vậy, hoàn toàn có thể tận dụng để tạo ra cho thành phố những khoảng không gian đẹp mới và ấn tượng trải dài.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho rằng, các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng không gian đô thị cũng như cảnh quan môi trường.

Phần lớn các đô thị còn tồn tại kiểu kiến trúc phát triển tự phát, thiếu định hướng khiến bộ mặt đô thị lôn xộn. Bởi vậy, đô thị thiếu bản sắc và quản lý lỏng lẻo, chưa làm chủ được tình hình phát triển.

Để khắc phục tình trạng này, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị đã được Bộ Xây dựng coi là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch, xây dựng đô thị và đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Cơ sở để quản lý phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị là quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Bởi vậy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã đươch ban hành.

Cùng đó, đồ án quy hoạch và quy chế quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ quy định cụ thể các chỉ tiêu kiểm soát phát triển, phân khu chức năng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, lộ giới, hạn tuyến, tầng cao..., bà Hằng chia sẻ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục