Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển lĩnh vực y học từ xa

Đến nay, y học từ xa của Việt Nam được đánh giá là một trong những nền y học từ xa rất phát triển, đã kết nối từ bệnh viện trung ương tới các bệnh viện tuyến tỉnh.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển lĩnh vực y học từ xa ảnh 1Bệnh viện 175 Thành phố Hồ Chí Minh hội chẩn qua cầu truyền hình với Bệnh xá đảo Trường Sa lớn tiến hành ca sinh mổ cho sản phụ trên đảo Trường Sa lớn, tháng 12/2015. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đến nay, y học từ xa của Việt Nam được đánh giá là một trong những nền y học từ xa rất phát triển, đã kết nối từ bệnh viện trung ương tới các bệnh viện tuyến tỉnh, vùng sâu vùng xa, thậm chí đã kết nối tới các trạm y tế biển đảo như đảo Trường Sa, Bạch Long Vĩ.

Đã có nhiều ca bệnh khó tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, vùng biển đảo nhận được sự tư vấn từ tuyến trung ương mang lại hiệu quả cao, cứu sống cho nhiều bệnh nhân.

Sáng 2/12, giáo sư Trần Bình Giang - Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết như vậy tại Hội nghị y học từ xa châu Á lần thứ X (ATS 2016) diễn ra từ ngày 1-3/12 tại Hà Nội.

Chính vì vậy, thời gian qua định hướng của Bộ Y tế là phát triển y học từ xa đã được đẩy mạnh. Bộ Y tế đã thành lập các bệnh viện vệ tinh và cấp kinh phí để các bệnh viện hạt nhân kết nối y học từ xa.

Chẳng hạn như Bệnh viện Việt Đức có sự kết nối với 20 bệnh viện vệ tinh. Hàng tuần, giữa các bệnh viện có sự trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm mổ trực tiếp để thị phạm, giảng dạy, chia sẻ các ca bệnh khó tới các bệnh viện, các tỉnh.

Hội nghị y học từ xa châu Á lần thứ 10 (Hội nghị ATS) là một trong những Hội nghị khoa học uy tín nhất của châu Á, được tổ chức luân phiên hàng năm tại một quốc gia trong khu vực. Hội nghị với các hoạt động chính như: giáo dục y tế từ xa; chăm sóc bệnh nhân từ xa; phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y học từ xa; diễn đàn cho chương trình trao đổi quốc tế…

Hiện nay đã có 57 nước với hơn 500 bệnh viện tham gia vào hệ thống y học từ xa.

Đây là lần đầu tiên sự kiện khoa học quan trọng này được tổ chức tại Việt Nam với 450 đại biểu tham dự đến từ 22 quốc gia trên thế giới, có 37 bài báo cáo bằng tiếng Anh.

Hội nghị kết nối các điểm cầu của 15 nước châu Á (trong đó Việt  Nam có 7 trong điểm cầu: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh).

Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các nhà quản lý trong lĩnh vực ngoại khoa, phẫu thuật nội soi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên ngành, đồng thời có điều kiện trao đổi trực tuyến với các chuyên gia ở 15 Trung tâm y học tiên tiến trên thế giới.

Cũng trong ba ngày diễn ra hội nghị, Hội Ngoại khoa Việt Nam và Hội Phẫu thuật nội soi - Nội soi Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức Đại hội lần thứ 13 Hội Ngoại khoa Việt Nam, Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi – Nội soi toàn quốc năm 2016.

Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi - Nội soi toàn quốc 2016 có 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự; 218 bài báo cáo (trong đó có 6 bài báo cáo nước ngoài) với chuyên ngành tiêu hóa, tim mạch-lồng ngực, tiết niệu-sinh dục, nhi, chấn thương chỉnh hình, cột sống, sọ não, điều dưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục