Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập TPP với Indonesia

Bài học kinh nghiệm lớn là việc tham gia vào TPP còn là chiến lược FTA, chiến lược đối ngoại và quan trọng hơn cả đó là định hướng và biện pháp để triển khai đổi mới.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về gia nhập TPP với Indonesia ảnh 1Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Đỗ Quyên-Trần Chiến/Vietnam+)

Ngày 10/8, tại Jakarta, Indonesia đã tổ chức buổi tọa đàm “Bài học kinh nghiệm của Việt Nam gia nhập TPP.”

Diễn giả tại buổi tọa đàm là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, cố vấn cao cấp APEC Việt Nam 2017, nguyên Phó Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, nguyên Vụ Trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao Việt Nam).

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, đây là dịp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về tham gia Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Indonesia, đất nước có vai trò quan trọng trong khu vực cũng như trong khối ASEAN.

Hiện nay Indonesia rất quan tâm đến việc điều chỉnh chính sách như thế nào trong tham gia, hội nhập quốc tế. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng thực tế đây là vấn đề mà cả Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới đều đang phải trải qua trong quá trình phát triển, cải cách...

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Indonesia chia sẻ nhiều thách thức giống Việt Nam trước khi tham gia TPP và đàm phán các hiệp định FTA thế hệ mới trong giai đoạn 2008-2012. Bài học kinh nghiệm lớn là để phát triển đất nước, độc lập tự chủ và bảo vệ vững chắc độc lập, hòa bình, Việt Nam đã mở cửa và đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế. Việc tham gia vào TPP còn là chiến lược FTA, chiến lược đối ngoại và quan trọng hơn cả đó là định hướng và biện pháp để triển khai đổi mới.

Về những thách thức của Indonesia hiện nay trong phát triển, đặc biệt trong các vấn đề năng lực cạnh tranh, trình độ phát triển, Đại sứ cho rằng đây là vấn đề chung của tất cả các thành viên TPP và cũng là thử thách đặt ra cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong thế kỷ 21 trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ và xu thế liên kết đa tầng. Đó cũng chính là thách thức tất yếu trong mọi cuộc đàm phán, đặc biệt là đàm phán thương mại. Tuy nhiên, bài học của Việt Nam đó là muốn phát triển chúng ta phải biết vượt qua những vấn đề nội tại của nền kinh tế này, đặc biệt là trong thời đại phát triển bền vững.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ Việt Nam ở vị trí đàm phán khó hơn Indonesia, vì Indonesia thuộc nhóm G20, là nước lãnh đạo, đi đầu trong liên kết của ASEAN, quốc gia sáng lập APEC, trong khi Việt Nam có trình độ phát triển thấp hơn, bao gồm cả GDP, năng lực cạnh tranh và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp... Vì vậy, Indonesia cần vững tin với vị thế của mình hiện nay để có thể hưởng lợi khi tham gia TPP.

Tại buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về một số vấn đề liên quan như chi phí thuế quan, cải cách thể chế, tiếp cận thị trường, tác động của tỷ suất xuất nhập khẩu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục