"Việt Nam chủ động hội nhập, hợp tác quốc phòng"

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói hợp tác quốc phòng tốt sẽ giúp thúc đẩy hợp tác về kinh tế, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại.
Nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức hai nước MỹPháp, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp về chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.
 
Bộ trưởng cho biết Việt Nam là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và mới đây đã trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với khoảng 180 nước trên thế giới trong đó về quốc phòng có quan hệ với trên 60 nước. Hơn 20 nước đã đặt văn phòng Tùy viên Quốc phòng tại Hà Nội, và ngược lại Việt Nam cũng có Tùy viên Quốc phòng tại vài chục nước trên thế giới.
 
Với quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng là độc lập tự chủ, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, và theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 của Khóa 9, những nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hợp tác với Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và đôi bên cùng có lợi, thì đều được coi là đối tác để tăng cường hợp tác.
 
Bộ trưởng khẳng định quan hệ đối ngoại quốc phòng là một phần trong quan hệ đối ngoại của Nhà nước. Hợp tác quốc phòng tốt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các quan hệ hợp tác về kinh tế, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, giúp cho các lĩnh vực này phát triển. Chính vì vậy, Việt Nam tích cực chủ động trong việc phát triển hợp tác quốc phòng song phương và đa phương, với tinh thần tham gia đầy đủ vào các hoạt động của ASEAN, cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trên cơ sở độc lập, tự chủ. Việt Nam hiện đang phấn đấu cùng các nước trong khu vực xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015, dựa trên các trụ cột chính: chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa.
 
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, vấn đề an ninh ở khu vực Đông Nam Á có cả thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là nhìn chung, chúng ta duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Nhưng khu vực này cũng đối mặt với những thách thức, cả về truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là vấn đề phi truyền thống như cướp biển, buôn lậu, ma túy, vũ khí, buôn người. Đó là chưa kể thiên tai, dịch bệnh và các lĩnh vực khác như tìm kiếm cứu nạn.... Khi những vấn đề này xảy ra trên biển, chúng ta rất cần sự hợp tác song phương và đa phương với các nước bạn bè trong khu vực cũng như là trên thế giới.
 
Đánh giá về hiệu quả của hợp tác quốc phòng, Bộ trưởng cho rằng trước hết, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này giúp tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết và cả sự giúp đỡ lẫn nhau, nhằm giữ gìn một môi trường hòa bình và ổn định chung trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các nước trong khu vực.
 
Giữ gìn an ninh trật tự trên biển là một trong những lĩnh vực hợp tác quốc tế hàng đầu của quân đội Việt Nam. Vì vùng biển này có rất nhiều tàu thuyền quốc tế qua lại và các nước láng giềng vẫn còn có những tranh chấp, nên chúng ta đã hợp tác với hải quân Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan, trong vấn đề tuần tra chung trên biển, thiết lập các đường dây nóng với các nước này. Sắp tới, Việt Nam sẽ xúc tiến những mô hình hợp tác này với hải quân Malaysia, Indonesia và Philippines. Nếu sự hợp tác này được tiến hành tốt, nó sẽ góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên biển, tạo điều kiện cho bà con ngư dân đánh cá và làm ăn trên biển. Ngoài ra, Việt Nam còn có thỏa thuận hợp tác với các nước về cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và đào tạo.
 
Cuối cùng, theo Bộ trưởng, Việt Nam tích cực chủ động hội nhập và hợp tác quân sự, tăng cường các hoạt động của ngoại giao quốc phòng là nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực khác, vì mục tiêu giữ gìn hòa bình và phát triển toàn diện, đẩy lùi các nguy cơ có thể gây mất ổn định và xung đột trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục