Việt Nam có khoảng 8 triệu người bị suy thận mạn

Tại Việt Nam, ước tính số người mắc suy thận mạn khoảng 8 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số và số bệnh nhân gia tăng nhanh.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Bùi - Tổng thư ký Hội Niệu-Thận học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Việt Nam, ước tính số người mắc suy thận mạn khoảng 8 triệu người, chiếm 10% dân số.

Tại hội thảo khoa học chuyên đề về Thông tin cập nhật trong chẩn đoán và điều trị suy thận mạn do Hội Niệu-Thận học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/7, ông Phạm Văn Bùi cho biết số bệnh nhân suy thận mạn đang gia tăng nhanh cùng với tốc độ gia tăng của một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm cầu thận, thiếu máu...

Người bị suy thận mạn sẽ tăng 34% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đồng thời có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với người bình thường.

Suy thận mạn là một tổn thương không phục hồi của các đơn vị thận làm mất dần chức năng thận. Bệnh không thể chữa khỏi và thường diễn tiến âm thầm. Triệu chứng bệnh có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận chỉ còn lại 1/10 so với mức bình thường. Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị sẽ làm chậm diễn tiến của bệnh, bảo vệ, cải thiện chức năng thận, chậm tiến trình suy thận, giảm nhu cầu chạy thận trong xã hội.

Khi suy thận chuyển sang giai đoạn cuối thì người bệnh phải chạy thận, ghép thận để duy trì sự sống gây ảnh hưởng rất lớn về sức khoẻ và kinh tế.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bay - Trưởng khoa nội Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, để làm chậm tiến triển của suy thận mạn cần có chế độ ăn hạn chế đạm, ít muối, kiểm soát tốt huyết áp, ngăn chặn các yếu tố thúc đẩy tiến triển bệnh như thuốc lá, dùng thuốc và dược chất không hợp lý.

Người dân có thể phát hiện bệnh sớm với các triệu chứng như ăn kém, mắc tiểu thường xuyên, tiểu máu, đau lưng, phù chân, phù mắt./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục