Việt Nam có những bước đi chủ động chuẩn bị cho 5G và IoT

Gần đây, tại Việt Nam nói nhiều về 5G, IoT (Internet of Things) và cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cơ quan quản lý đã có sự chuẩn bị về mặt chính sách cho xu hướng này.
Việt Nam có những bước đi chủ động chuẩn bị cho 5G và IoT ảnh 1Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, hạ tầng băng rộng di động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4. (Ảnh: T.H/Vietnam+) 

Gần đây, tại Việt Nam, đã có nhiều câu chuyện nói nhiều về mạng viễn thông 5G, IoT (Internet of Things) và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, sự quan tâm đang hướng vào việc cơ quan quản lý đã có sự chuẩn bị về mặt chính sách cho xu hướng này như thế nào.

Tại Hội thảo Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT diễn ra sáng 8/6 tại Hà Nội, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, hiện thế giới đang tiến hành thử nghiệm công nghệ, nghiên cứu về triển khai và thị trường 5G. Mạng di động thế hệ tiếp theo sẽ không chỉ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tốc độ đường truyền mà còn thúc đẩy các xu hướng phát triển mới về thiết bị thông tin như IoT, thiết bị thông minh…

Dự báo tới năm 2022 sẽ có 29 tỉ thiết bị kết nối qua mạng di động. Nhu cầu sử dụng dữ liệu, kết nối tăng mạnh. 5G sẽ cho phép kết nối thống nhất, sẽ định hình lại một loạt các ngành công nghiệp như giải trí, ô tô, điều khiển, an toàn, cứu nạn, dịch vụ hàng hóa, năng lượng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ hàng hóa và bán lẻ…

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, hiện nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đạt hơn 120 triệu. Dịch vụ 4G đã được cấp phép cho 4 nhà mạng di động và bước đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, hạ tầng băng rộng di động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đối với hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin nói chung, hạ tầng băng rộng di động nói riêng…

Về việc chuẩn bị của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Tuấn cho biết, đầu năm 2017, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư cho phép sử dụng các băng tần trước đây mà nhà mạng được cấp để dùng 2G chuyển sang dùng 3G, 4G. Bên cạnh đó, băng tần 2.100 MHz cũng được dành cho phát triển 4G.

Bên cạnh đó, khác với nhiều nước, Việt Nam đã có bước đi tương đối sớm khi mở băng tần 5GHz để sử dụng Wifi. Năm 2016, cơ quan quản lý cũng cho phép sử dụng LTE 4G…

Để đáp ứng nhu cầu về sử dụng dữ liệu, Việt Nam cũng đã cấp thêm băng tần. Cụ thể, sau Hội nghị Vô tuyến thế giới (WRC) 2015, Việt Nam đã đưa vào quy hoạch phổ băng tần quốc gia như các phổ băng tần 1,5 GHz, băng 3300 - 3400 MHz, 4800 - 4900 MHz. Để chuẩn bị cho WRC 2019, Việt Nam tiếp tục xem xét bổ sung thêm băng tần và hiện tại thì băng tần 2.4GHz được nhiều nước trong đó có Việt Nam ủng hộ sử dụng cho 5G.

Ngoài ra, với nhu cầu IoT kết nối vạn vật trong nhà, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một số chính sách mới như đưa thêm băng tần 60 GHz cho công nghệ không dây WiGig cho kết nối tốc độ cao các đồ đạc, thiết bị, đưa thêm các băng tần cho sạc không dây (Apple, Samsung), tần số cho radar ôtô…

“Hiện chúng tôi đang kết hợp với Viettel để tiến hành một số bài toán thử nghiệm để định hình chính sách tần số cho I​oT,” ông Tuấn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục