Việt Nam coi trọng công tác phòng ngừa thiên tai

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định quan điểm của Việt Nam “lấy phòng ngừa là chính” trong công tác giảm nhẹ thiên tai.
Ngày 7/10, phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định quan điểm của Việt Nam “lấy phòng ngừa là chính” trong công tác giảm nhẹ thiên tai.

Phó Thủ tướng cho biết công cuộc phòng, chống thiên tai ở Việt Nam là do nhà nước và nhân dân cùng làm, kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước và huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, xác định ưu tiên đầu tư cho khâu phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.

Đồng thời, “Việt Nam cũng thúc đẩy thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ thiên tai vào trong quy hoạch, kết hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực và kế hoạch quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết những năm qua Việt Nam đã tích cực hợp tác có hiệu quả với cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia ký kết và tổ chức thực hiện Nghị định như Kyoto và Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ thiên tai, Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp.

Về thực tế gánh nặng thiên tai ở Việt Nam, Phó Thủ tướng nhận định hàng năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cháy rừng. Tính trung bình 5 năm qua, mỗi năm thiên tai cướp đi sinh mạng của khoảng 400 người, thiệt hại về tài sản ước từ 1-1,5% GDP.

Riêng 9 tháng đầu năm nay, số người chết và mất tích do thiên tai là 292 người, thiệt hại kinh tế khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó cơn bão số 9 mới đây nhất làm chết và mất tích 174 người, thiệt hại vật chất ước tính 14.000 tỷ đồng.

Cũng tại diễn đàn này, bà Margareta Wahlstrom, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đã đề cập đến những lỗ lực và sự gia tăng đầu tư của Việt Nam trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, mà diễn đàn này là một ví dụ cho thấy cam kết ở mức cao nhất của Việt Nam đối với yêu cầu giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bà chia sẻ quan điểm của Việt Nam coi “phòng tránh hơn là chữa” trong lĩnh vực này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp đa ngành và chia sẻ kinh nghiệm để có những quyết định phù hợp cho từng quốc gia trong phòng tránh thiên tai.

Một đại biểu khác tham dự diễn đàn, Đại sứ Australia Allaster Cox, cho rằng nếu đầu tư 1 USD cho công tác giảm nhẹ rủi do thiên tai thì sẽ tiết kiệm được khoảng 7 USD cho việc khôi phục hậu quả sau đó. Vì vậy, theo Đại sứ, việc đầu tư vào một tương lai an toàn hơn là hướng phát triển trong thời gian tới.

Hoan nghênh mục tiêu của Việt Nam trong việc triển khai chương trình quản lý giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng tới 6000 xã vào năm 2020, Đại sứ cũng khẳng định Chính phủ Australia luôn sát cát cùng nhân dân Việt Nam và mới đây đã viện trợ 1 triệu USD cho Việt Nam trong công tác này.

Về biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mekong sẽ bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất khoảng 10% GDP; nếu nước biển dâng 3m thì các con số tương tự là khoảng 25% dân số và 25% GDP./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục