Việt Nam coi trọng sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức ILO

Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định Việt Nam rất coi trọng hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO trong lĩnh vực lao động.
Việt Nam coi trọng sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức ILO ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 104 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) diễn ra trong các ngày từ 1-13/6 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham dự của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên ILO.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa dẫn đầu đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng ngày 9/6.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của ILO, đặc biệt là trong các lĩnh vực cải cách thể chế thị trường lao động, hoàn thiện chính sách việc làm và an sinh xã hội, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Nền kinh tế thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn về cấu trúc và phương pháp kinh doanh dẫn đến những thay đổi quan trọng trong phân công lao động và tính chất việc làm, xuất hiện những dạng việc làm mới, linh hoạt, di động với những ràng buộc lỏng lẻo hơn. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên, tiếp tục duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa ILO và các đối tác ba bên tại Việt Nam.

Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến thế kỷ của Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, ủng hộ sáng kiến chuẩn bị chào đón kỷ niệm 100 năm thành lập ILO bằng những hành động thiết thực, cụ thể với mục tiêu thực hiện một cách tốt nhất sứ mệnh của tổ chức.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh trong chính sách phát triển, Việt Nam luôn xác định tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển và đảm bảo công bằng xã hội. Do đó, chính phủ đã dành nguồn lực thỏa đáng cho xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi cho người dân, đảm bảo bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ, quan tâm đến việc dạy nghề cho lao động nông thôn.

Là một nước có khu vực phi kết cấu rộng lớn, thu hút 65% lực lượng lao động, Việt Nam ủng hộ việc thảo luận và thông qua khuyến nghị về chuyển đổi khu vực này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là quá trình đầy thách thức cả trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thanh tra lao động, đảm bảo tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đào tạo nguồn nhân lực...

Bên cạnh các phiên họp chính thức tại Đại hội đồng, đoàn Việt Nam còn tham dự Hội nghị Bộ trưởng châu Á-Thái Bình Dương, có các buổi tiếp xúc và làm việc với Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, Phó Tổng giám đốc Sandra Polaski và gặp gỡ song phương với một số đoàn ASEAN.

Vấn đề quản trị thị trường lao động và quản lý di chuyển lao động cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Tại Hội nghị Lao động Quốc tế 2015, các đối tác ba bên bao gồm tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chính phủ tiến hành bàn thảo và giải quyết một loạt các vấn đề.

Đoàn đại biểu Việt Nam, với sự tham gia của ba bên gồm đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có các báo cáo tham luận tại phiên toàn thể và các ủy ban nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thay mặt đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hồng đã khẳng định quan điểm của Công đoàn Việt Nam về vai trò của lao động phi kết cấu là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nhiều thành phần, đồng thời cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của Công đoàn Việt Nam trong việc hỗ trợ và tập hợp lực lượng lao động phi kết cấu.

Với tư cách là một đối tác xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn tích cực tham gia cùng với Chính phủ và tổ chức đại diện người sử dụng lao động xây dựng và phát huy cơ chế ba bên, thúc đẩy việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp thông qua đối thoại xã hội và thương lượng tập thể đồng thời tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và đối tượng điều chỉnh đã được mở rộng đến khu vực phi kết cấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục