Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác với các nước

Chuyến thăm tới Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary của Thủ tướng nhằm khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt của VN.
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Karim Masimov, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen và Thủ tướng Cộng hòa Hungary Gordon Bajnai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm chính thức ba nước nói trên từ ngày 14 đến 19/9.

Chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Cộng hòa Kazakhstan là một trong các quốc gia có diện tích lớn nhất trong các nước SNG (chỉ đứng sau Nga), có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển, trong đó nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt. Nền công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và chế tạo máy, đặc biệt có trữ lượng lớn về dầu mỏ.

Ngày 26/9/1992, Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao. Để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tháng 6/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Kazakhstan và sau đó nhiều đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm làm việc tại nước bạn, đặt nền móng cho quan hệ hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Trong cuộc gặp ngày 20/4/2009, bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Bác Ngao tại Trung Quốc, Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev đã mời Thủ tướng Việt Nam sang thăm nước bạn. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và là chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Việt Nam sang nước này sau 19 năm, kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 6/1994).

Quan hệ kinh tế, thương mại hai nước đang phát triển tốt. Năm 2002, trao đổi thương mại hai nước đạt 27 triệu USD; năm 2005 đạt 46,14 triệu USD; năm 2007 đạt khoảng 68,8 triệu USD và năm 2008 đạt 96 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 23,3 triệu USD và nhập khẩu của Kazakhstan 72,9 triệu USD.

Hai nước đã thành lập Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 triệu USD/năm và thỏa thuận tiến hành họp Ủy ban liên chính phủ trong năm nay tại Hà Nội.

Với vị trí địa lý ba mặt giáp biển Bắc và biển Baltic, Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế cạnh tranh và là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Đan Mạch gồm: vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, xi măng, công nghiệp dược, chế biến thực phẩm, lĩnh vực môi trường và công nghệ xanh-sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Hiện Đan Mạch là một trong số nước đi đầu trong viện trợ phát triển, chủ yếu tập trung cho các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Việt Nam đã nhận khoảng 5,8% tổng vốn ODA Đan Mạch cung cấp cho nước ngoài. Đan Mạch là nước cung cấp nguồn vốn ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong EU với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

Hiện nay, mỗi năm Đan Mạch viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 60 triệu USD, tập trung trong các lĩnh vực: công nghiệp vật liệu xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, vệ sinh môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải cách hành chính, luật pháp, tài chính, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch hiện còn ở mức khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Năm 2006, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Đan Mạch đạt 220,3 triệu USD. Từ nay đến năm 2010, dự kiến sẽ tăng gấp hai lần. Tổng mức đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD.

Mặt khác, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp hai nước đang gặp phải vì mục tiêu đẩy mạnh quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại, tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

Hiện có hơn 100 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm khoảng 87% tổng vốn đầu tư của nước này; tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chiếm 7% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 6% vốn đầu tư. Hiện nay, về phía các doanh nghiệp Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Đan Mạch là dệt may, tiếp theo là giầy dép và đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê.

Gần đây, với năng lực ngày càng được nâng cao của đội ngũ công nhân lành nghề trong ngành tàu thủy, Việt Nam đã tăng cường hợp tác liên doanh với Đan Mạch trong việc gia công, chế tạo các loại tàu thủy.

Nằm giữa Trung Âu, Hungary có nền kinh tế công-nông nghiệp phát triển trung bình và phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.

Việt Nam và Hungary có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, tiến tới kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao hai nước vào năm tới. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao để tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển. Trung bình ODA Hungary dành cho Việt Năm khoảng 500.000 euro. Năm 2008, Hungary đã tăng mức cam kết ODA cho Việt Nam lên 49,5 triệu USD.

Cho đến nay, hai bên đã ký các Hiệp định: Tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tương trợ tư pháp, hợp tác chống tội phạm có tổ chức, hợp tác kinh tế, nông nghiệp, phát triển, hợp tác khoa học-công nghệ, hợp tác giữa các ngành văn hoá, giáo dục-đào tạo, du lịch, phát thanh, hải quan.

Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện nay có khoảng 4.000 người, sống tập trung chủ yếu ở Thủ đô Budapest.

Chuyến thăm chính thức tới Kazakhstan, Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Hungary lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trong đó tăng cường sự hợp tác về kinh tế-thương mại với các nước; thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam với 3 nước vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục