Việt Nam cùng các nước ứng phó biến đổi khí hậu

Hơn 100 chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GTZ) và các tổ chức đối tác hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn ở châu Á đang tham dự hội nghị mang tên “Thách thức toàn cầu – Hành động của địa phương”, từ ngày 23-26/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 100 chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GTZ) và các tổ chức đối tác hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn ở châu Á đang tham dự hội nghị mang tên “Thách thức toàn cầu – Hành động của địa phương”, từ ngày 23-26/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Hội nghị, do GTZ chủ trì, bao gồm những phiên họp toàn thể, thảo luận về các chủ đề như kinh nghiệm hoạt động trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm và năng lượng sinh học.
 
Khẳng định sự tác động của biến đổi khí hậu đã lan ra toàn thế giới và thể hiện rất rõ ở Việt Nam, bà Ellen Kramer, người phát ngôn của mạng lưới chuyên ngành GTZ, cho biết các dự án của tổ chức này tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia châu Á khác đã bắt đầu tiến hành các hoạt động nhằm đưa các phương diện của biến đổi khí hậu vào chiến lược hợp tác phát triển hiện tại và tương lai.
 
“Hội nghị này cũng nhằm tạo ra một hành lang để trao đổi phương pháp và kinh nghiệm, hỗ trợ lập kế hoạch các hoạt động trong tương lai”, bà Ellen Kramer nhấm mạnh.
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh, thành viên Nhóm nghiên cứu liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu và là tác giả chính của Báo cáo đánh giá thứ 4 về biến đổi khí hậu, hội nghị được tổ chức tại Việt Nam vì đây là một trong những quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
 
Theo thống kê gần đây của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 5 về khả năng dễ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ trên trái đất tăng 2oC thì 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam - sẽ ngập chìm trong nước biển.
 
Trong các năm gần đây, sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu đã đe dọa trực tiếp đến đời sống con người và cả nền kinh tế với tần suất và cường độ của những đợt bão lũ, triều cường tăng đột biến, sự thiếu hụt nguồn nước...
 
Ngay sau hội nghị, các chuyên gia sẽ đi thực địa tại hai tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng và Trà Vinh để quan sát tác động của biến đổi khí hậu và chứng kiến các hoạt động của GTZ và các đối tác như Quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Quỹ Hỗ trợ Phát triển Australia (AusAID).
 
Hiện nay, GTZ đang tiến hành hơn 40 dự án phát triển nông thôn ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam./.
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục