Việt Nam đại diện ASEAN quan ngại về tình trạng trẻ em trong xung đột

Phát biểu thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định ASEAN luôn quan tâm, coi trọng thúc đẩy nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em trong xung đột vũ trang cả cấp quốc gia và cấp khu vực.
Việt Nam đại diện ASEAN quan ngại về tình trạng trẻ em trong xung đột ảnh 1Người di cư tại khu trại tạm ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 2/8 đã tổ chức phiên thảo luận mở về trẻ em và xung đột vũ trang, do Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng Tám, chủ trì điều hành phiên họp.

Trình bày báo cáo cập nhật về tình hình trẻ em và xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba, Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khẳng định dù có những tiến triển như giải thoát và tái hòa nhập cho 13.600 trẻ em từng tham gia lực lượng vũ trang, song các vụ vi phạm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn với tổng số hơn 24.000 vụ việc trong năm 2018, tăng hơn 1.000 vụ so với năm trước, trong đó số vụ trẻ em bị giết hại hoặc trở thành tàn phế đã lên tới mức cao kỷ lục.

Trẻ em tiếp tục bị cưỡng ép tiến hành các vụ đánh bom tự sát hoặc bị sử dụng làm lá chắn sống hoặc nô lệ tình dục và hàng triệu em không thể hoặc bị từ chối tiếp cận hỗ trợ nhân đạo.

Các vụ tấn công trường học và bệnh viện gia tăng khiến hàng nghìn trẻ em không được chăm sóc y tế và không được đến trường.

Bà Virginia Gamba nhấn mạnh dù trong bất kỳ tình huống nào, phải xem xét thấu đáo với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, trong đó những trẻ em từng tham gia hoặc có liên hệ với các tổ chức vũ trang cần phải được đối xử như những nạn nhân, đồng thời kêu gọi các quốc gia xây dựng nhiều chương trình tái hòa nhập toàn diện và dài hạn nhằm hỗ trợ tâm lý, tinh thần, giúp các em học tập, học nghề, sớm trở lại cộng đồng và tìm lại tuổi thơ.

Hơn 80 nước đã tham gia thảo luận cho thấy sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Các nước đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức phiên thảo luận vào dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Quyền Trẻ em, 20 năm Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về chủ đề này và 10 năm Nghị quyết 1882 của Hội đồng Bảo an lên án tình trạng giết hại, thương tổn và bạo lực tình dục đối với trẻ em. Song bất chấp các nỗ lực, các vi phạm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, thậm chí nhiều nơi gia tăng ở mức đáng báo động.

Các nước nhấn mạnh trẻ em là những nạn nhân đầu tiên của xung đột và bạo lực với những ám ảnh kéo dài và những tổn thương không thể hàn gắn, kêu gọi Hội đồng Bảo an tăng cường các nỗ lực ngăn ngừa, giải quyết xung đột và tái thiết hậu xung đột, đồng thời chia sẻ quan điểm, nỗ lực, kinh nghiệm nhằm bảo vệ tốt hơn cho trẻ em.

[Số trẻ em bị giết và tàn phế do xung đột tăng mạnh trong năm 2018]

Phát biểu thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh dù ASEAN ghi nhận các tiến triển, song tình trạng của trẻ em trong xung đột vũ trang nhìn chung vẫn rất đáng quan ngại.

Đại sứ cho rằng việc Hội đồng Bảo an thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này cho thấy đồng thuận, cam kết và quyết tâm của các nước, song cộng đồng quốc tế cần sự đồng thuận mạnh mẽ hơn nữa để biến các cam kết thành hành động cụ thể và có ý nghĩa.

ASEAN hoan nghênh đóng góp của Đại diện Đặc biệt Tổng Thư ký Liên hợp quốc và cơ chế giám sát, báo cáo, khuyến khích hợp tác trên tinh thần xây dựng giữa Liên hợp quốc, các quốc gia liên quan và các bên tham gia xung đột.

Đại sứ khẳng định ASEAN luôn quan tâm, coi trọng thúc đẩy nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em trong xung đột vũ trang cả cấp quốc gia và cấp khu vực, dẫn chứng một số hoạt động cụ thể như Đối thoại ASEAN về Công ước Quyền trẻ em, Đối thoại thường niên giữa Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo đảm Quyền phụ nữ, trẻ em với Đại diện Đặc biệt Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Bạo lực trẻ em.

Đại sứ nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy và bảo đảm quyền trẻ em. Là một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến, Việt Nam hiểu rõ và trân trọng giá trị của hòa bình, và nhận thức rõ sự cần thiết của một chiến lược toàn diện giải quyết mọi gốc rễ của xung đột, trong đó giáo dục đóng vai trò thiết yếu, giúp trang bị kiến thức cần thiết cho trẻ em và nuôi dưỡng lòng nhân ái và tình yêu hòa bình trong trái tim và tâm trí của mỗi em nhỏ.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em; và trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước thông qua Nghị quyết 1882 về chủ đề này.

Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục