Việt Nam đang tiến sát các mục tiêu thiên niên kỷ

Việt Nam đã hoàn thành ba mục tiêu quan trọng về xóa bỏ đói nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ
Ngày 17/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tham vấn “Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013-MDG”, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, báo cáo MDG 2013 đánh giá 2/3 chặng đường thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đồng thời cập nhật tình hình quốc gia trước giai đoạn 2015; trong đó khẳng định nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã gặp không ít khó khăn, song chính phủ vẫn ưu tiên và quyết tâm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cùng với những nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia.

“Theo đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tích cực, hoàn thành ba mục tiêu quan trọng về xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho nữ,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2013, Việt Nam đã tiếp tục duy trì và nâng các thành tích trong ba lĩnh vực trên. Kết quả, tỷ lệ giảm nghèo sâu giảm từ 14,2% xuống 9,6% năm 2012. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi bậc giáo dục tiểu học hàng năm tăng đều, đạt 97,7% và tỷ lệ lao động nữ đã đạt 48% trong tổng số việc làm mới được tạo ra, năm 2012.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó doanh thu, lợi nhuận và quy mô doanh nghiệp cũng giảm đồng thời làm giảm các cơ hội việc làm bền vững và thu nhập của người lao động.

Thêm vào đó, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp về biến đổi khí hậu, chênh lệch về mức sống gia tăng giữa các nhóm dân tộc và các vùng miền, nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đo thị, di cư, chất lượng giáo dục-đào tạo chưa theo kịp với điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng.

“Những thách thức trên có thể làm chậm quá trình hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam,” báo cáo đưa ra dự báo.

Trước thách thức đó, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam cần thực hiện nhiều thay đổi trong các chương trình phát triển, dựa trên các nghiên cứu mang tính đa chiều với mục tiêu phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm. Những vấn đề cơ bản Việt Nam cần hướng tới trong giai đoạn “hậu MDG” (giai đoạn sau 2015) là bình đẳng, tính dễ bị tổn thương và hòa nhập xã hội, quản trị và sự tham gia của người dân, chuyển dịch cơ cấu dân số, hệ thống y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý, giáo dục-đào tạo nghề, môi trường…

Phát biểu tại hội thảo, bà Louise Chamberlain-Giám đốc UNDP tại Việt Nam đánh giá cao về các thành tựu đã đạt được của Việt Nam thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ và cho rằng các mục tiêu khác như giảm tử vong ở trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ, Việt Nam sẽ có khả năng hoàn thành trước thời hạn năm 2015. Ngoài ra, các mục tiêu phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệch dịch nguy hiểm; đảm bảo bền vững về môi trường; thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn cầu vì phát triển cũng đang có những bước tiến rất khả quan./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục