Việt Nam đang xác minh và bảo hộ công dân ở Brunei và Anh

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Brunei và Anh đang tiến hành xác minh vụ việc và bảo hộ công dân Việt Nam ở hai nước này.
Việt Nam đang xác minh và bảo hộ công dân ở Brunei và Anh ảnh 1Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đi biển. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 28/5, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Brunei và Anh đang tiến hành xác minh vụ việc và bảo hộ công dân Việt Nam ở hai nước này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết biện pháp của Việt Nam để bảo vệ quyền công dân liên quan đến vụ việc 33 ngư dân Việt Nam bị Brunei bắt giữ và dự kiến đưa ra xét xử, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin thông báo từ phía Brunei về việc đang giữ tàu cá của Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 95924TS cùng với 33 ngư dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei đã cử cán bộ đến xác minh thông tin, thăm hỏi và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với 33 ngư dân của Việt Nam.

Theo Đại sứ quán của Việt Nam tại Brunei, hiện nay tình hình sức khỏe của 33 ngư dân vẫn ổn định và Đại sứ quán cũng đã thông báo tình hình này đến các thân nhân của các ngư dân.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei cũng đang làm việc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Brunei để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân.

Trước thông tin tờ báo The Guardian (Anh) phản ánh 3.000 trẻ em Việt Nam bị bắt sang Anh trồng cần sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, về vấn đề này, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh đang làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh rõ thông tin mà báo The Guardian nêu.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định thêm rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của Vương Quốc Anh, cũng như của nhiều nước khác trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, nhất là tội phạm buôn bán người.

Việt Nam cũng có những thỏa thuận song phương với Vương Quốc Anh, cũng như nhiều nước khác về việc nhận trở lại người nhập cư bất hợp pháp vào Anh cũng như ở các nước khác, phù hợp với luật pháp cũng như thông lệ quốc tế.

Đối với các trường hợp liên quan đến công dân của Việt Nam gặp khó khăn ở nước ngoài, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài luôn kịp thời xác minh thông tin và triển khai các biện pháp để bảo hộ công dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam khi gặp khó khăn ở nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục