Việt Nam đạt 8 triệu thuê bao di động kết nối 3G

Đạt được 8 triệu thuê bao 3G sau chưa đầy 2 năm, song theo các nhà mạng, việc "nâng cấp" lên công nghệ 4G vẫn còn là thách thức lớn.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã phát triển được 8 triệu thuê bao 3G, đưa dịch vụ này đến với vùng sâu, vùng xa, xóa khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị.

Con số này được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội nghị tổng kết  tình hình triển khai 3G của các doanh nghiệp, ngày 20/7.

Xóa khoảng cách số

Ngày 15/9/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép 3G cho bốn đơn vị trúng tuyển gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT-Vinaphone), Công ty Thông tin di động (VMS) và Liên danh Công ty viễn thông điện lực-Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội.

Sau một thời gian triển khai, các doanh nghiệp đã đáp ứng được những yêu cầu mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra. Đến nay, các doanh nghiệp đã triển khai được 30.334 trạm thu phát sóng. Trong đó, một số doanh nghiệp đã vượt mức cam kết tại thời điểm sau 3 năm cấp phép.

Việc này đã góp phần không nhỏ trong việc phủ sóng 3G trên toàn quốc. “Hiện, việc dùng thẻ USB 3G truy cập Internet đã nhanh chóng đưa dịch vụ này đến với mọi nơi, với mức cước cạnh tranh với dịch vụ ADSL. Điều này góp phần xóa khoảng cách số giữa nông thôn thành thị, giúp khả năng tiếp cận thông tin ở nông thôn được nâng cao,” ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông nói.

Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thì cho rằng chính việc ra đời 3G đã giúp dịch vụ viễn thông cao cấp trở thành bình dân. Trước đây, không ai nghĩ đến việc một bà bán rau lại có thể sở hữu điện thoại di động, thậm chí còn lướt web.

“Với sự tăng trưởng của ngành viễn thông, Việt Nam đã xếp thứ 8 trong tổng số 192 nước tại Liên minh viễn thông quốc tế,” ông Hợp thông báo.

Về phía mình, đại diện các nhà mạng cũng cho hay các dịch vụ 3G đã dần trở thành nguồn thu lớn của họ. Tính đến cuối năm 2010, tổng thu 3G đạt 3.600 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dịch vụ truyền dữ liệu và thoại.

Phía MobiFone cho biết 3G đã giúp đơn vị này phát triển thương hiệu, doanh thu dịch vụ dữ liệu tăng mạnh, tỷ trọng tải tăng gấp 10 lần.

Đồng tình, song ông Vũ Anh, Trưởng Ban viễn thông của VNPT, cũng cho rằng để dịch vụ dữ liệu phát triển tốt hơn, các doanh nghiệp cần quan tâm đến dịch vụ nội dung cung cấp cho 3G.

Chưa phải thời điểm cho 4G

Rõ ràng, việc ra đời dịch vụ 3G được xem là rất thành công, song để tiến lên công nghệ 4G, các doanh nghiệp và nhà quản lý cho rằng đó là vấn đề “cần xem xét kỹ.” Cho dù trước đó, Viettel đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc thử nghiệm 4G và tuyên bố đã thành công.

Phía EVN Telecom đề nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông cho mạng này được thử nghiệm 4G trong quy mô nhất định.

Đại diện của MobiFone thì cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải ưu tiên doanh nghiệp đã có 3G được thử nghiệm lên 4G. Đây sẽ là một việc cần thiết giúp doanh nghiệp nắm bắt được công nghệ.

Khi được hỏi, liệu đây đã là thời điểm cho 4G hay chưa, phía MobiFone cho rằng thời điểm này còn quá sớm để triển khai 4G tại Việt Nam. Theo ông, năm 2013 bắt đầu công nghệ 4G sẽ là thích hợp.

Ông Tào Đức Thắng Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel, cho rằng, hiện tại, cần xác định mạng 3G sẽ thay thế cho 2G. Việc phát triển lên 4G, theo ông Thắng, phụ thuộc vào thiết bị đầu cuối.

“Cũng như với trường hợp 3G, nếu thiết bị đầu cuối phát triển mạnh, thì triển khai 4G sẽ đem lại hiệu quả tốt,” ông Thắng dự báo./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục