Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ về bình đẳng giới

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giải quyết các vấn đề giới về lĩnh vực giáo dục, lao động, việc làm.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề giới về lĩnh vực giáo dục, lao động và việc làm.

Chênh lệch thu nhập xét theo giới tính ở Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước Đông Á khác, thu nhập của phụ nữ cũng đã tăng lên đáng kể. Khoảng cách về giới tại cấp giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ và số lượng nữ có bằng đại học, cao đẳng vượt trội hơn so với nam giới. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm một cách đáng kể và tỷ lệ tử vong của sản phụ cũng giảm từ 233 ca xuống còn 85 ca tử vong trên 100.000 ca đẻ thành công trong vòng 15 năm qua...

Đó là một số kết quả về bình đẳng giới ở Việt Nam, được đưa ra tại Hội thảo giới thiệu Báo cáo Đánh giá tình hình giới của Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) vào ngày 21/9.

Ông Daniel Mont, Chuyên gia cao cấp về nghèo đói của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã được cộng đồng thế giới đánh giá cao về nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tồn tại, nhiều thách thức: tỷ lệ nghèo của người già tập trung vào nữ giới; khoảng cách giới trong một số nhóm dân tộc thiểu số khá cao; nam giới tham gia nhiều hơn trong các chương trình đào tạo liên quan đến chế tạo, sản xuất và xây dựng; tài liệu giáo dục theo những khuôn mẫu áp đặt về giới tính.

Bên cạnh đó, vấn đề HIV/AIDS và bạo lực vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ bạo hành thể xác chiếm 31,5% và tỷ lệ bạo hành tinh thần chiếm đến hơn 50%. Trong lĩnh vực lao động việc làm, phụ nữ thường phải làm công việc dễ bị tổn thương, do làm ở khu vực kinh tế phi chính thức, công việc kinh doanh cá thể, công việc gia đình không được trả lương; tỷ lệ rời bỏ lao động nông nghiệp ở nữ thấp hơn nam giới; phụ nữ vẫn là đối tượng đầu tiên bị cắt giảm công việc khi khủng hoảng kinh tế diễn ra. Tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị còn thấp….

Báo cáo cũng đưa ra 4 nhóm khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam tiếp tục hướng tới bình đẳng giới, bao gồm: nhóm khuyến nghị mang tính xuyên suốt là tăng cường thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới; tăng cường sự tham gia của nam giới khi giải quyết các vấn đề giới; tăng cường nghiên cứu dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi và phân tích các vấn đề giới; khuyến nghị sửa lại chương trình giáo dục, tài liệu, sách giáo khoa để thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy sự đáp ứng đa diện, đa ngành để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới; khuyến nghị tăng cường hoạt động đào tạo và các cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau; giải quyết vấn đề gánh nặng công việc gấp đôi đối với phụ nữ thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và hỗ trợ chính sách....

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, Báo cáo đánh giá tình hình giới của Ngân hàng thế giới là một trong những nguồn tài liệu nghiên cứu và tham khảo đáng quan tâm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất tại Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Mục đích của hội thảo hướng tới bình đẳng giới bền vững cho Việt Nam trong giai đoạn tới./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục