Cạn kiệt quỹ hưu trí

Việt Nam đối mặt nguy cơ bị cạn kiệt quỹ hưu trí

Dân số già hóa nhanh đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ không duy trì được, dẫn đến cạn kiệt Quỹ hưu trí.
Dân số Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất tử ngày càng giảm.

Khuynh hướng nhân khẩu học này cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc cải thiện điều kiện về y tế, dinh dưỡng và phát triển xã hội.

Đưa ra những thông tin này, tiến sỹ Giang Thanh Long-Phó  viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cảnh báo việc già hóa dân số nhanh chóng cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam, trong đó có việc phải đối mặt với thực tế là những phúc lợi xã hội dành cho người già, đặc biệt là Quỹ hưu trí, sẽ bị ảnh hưởng lớn, không duy trì được lâu và cạn kiệt vào năm 2052.

Phát biểu tại cuộc họp về “Già hóa dân số-Thực trạng, dự báo và các khuyến nghị chính sách” do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 12/5, tại Hà Nội, ông Long phân tích thêm thiết kế quỹ Hưu trí Việt Nam hiện nay dựa trên cơ chế tài chính đóng đến đâu hưởng đến đó không còn phù hợp với kết cấu dân số già và còn có nhiều sự mất công bằng giữa các thế hệ và mất cân bằng về giới. Bởi tiền hưu trí cho người già lấy từ tiền đóng góp của những người trong độ tuổi lao động trong tương lai. 

Dân số già đồng nghĩa với người cao tuổi sống lâu hơn, số tiền chi trả cho họ nhiều hơn, trong khi đó những người trong độ tuổi lao động ngày càng “mỏng” đi nhưng lại phải gánh gánh nặng chi trả cho những người cao tuổi ngày càng nhiều.

Chẳng hạn như, năm 2009, cứ 100 người dưới 15 tuổi thì có 36 người cao tuổi.  Nhwg theo dự báo, con số này đến năm 2049 sẽ là 100 người dưới 15 tuổi thì có tới 158 người cao tuổi.

Bên cạnh đó là những bất cập về độ tuổi về hưu, những đóng góp của khu vực công và khu vực tư, việc đầu tư cho quỹ hưu trí hiện nay vẫn còn thấp đều là những nguyên nhân khiến quỹ này đối mặt với nguy cơ cạn kiệt trong tương lai.

Trước thực trạng trên, các  chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra những gợi ý như cải cách chế độ hưu trí hiện hành hướng tới một hệ thống các tài khoản cá nhân với mức đóng góp được xác định trước và coi đây là một bước chuyển tiếp. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm dân số khác nhau, trong đó, bảo hiểm tự nguyện cần được liên kết và liên thông với các chương trình bảo hiểm bắt buộc và các loại hình bảo hiểm khác.

Cùng với đó là các chính sách để tạo công ăn việc làm cho những người cao tuổi vẫn còn khỏe mạnh để họ có thể tăng thêm thu nhập.

Ông Bruce Campbell – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam đưa ra ví dụ về Thụy Điển phải mất tới 85 năm để chuyển từ giai đoạn “già hóa” sang giai đoạn dân số “già,” Nhật Bản là 26 năm, Thái Lan là 22 năm, trong khi dự đoán ở Việt Nam chỉ là 20 năm.

Như vậy, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Do vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như việc làm, thu nhập, vấn đề nghèo đói và đặc biệt nhất là về bảo trợ xã hội đối với người già./.

 Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số tính đến ngày 1/4/2010 của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, số người cao tuổi ở Việt Nam năm 2009 là 7,4 triệu người. Đến năm 2010, số người cao tuổi đã tăng lên là 8,1 triệu người.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục