Việt Nam đối mặt thách thức dân số già khi kinh tế chưa phát triển

Việt Nam đang có tỷ lệ 1 người lao động nuôi 1 người qua tuổi lao động, nhưng nếu bước vào giai đoạn dân số già, 1 người lao động nuôi 2-3 người qua tuổi lao động, trong khi kinh tế chưa phát triển.
Việt Nam đối mặt thách thức dân số già khi kinh tế chưa phát triển ảnh 1Khám sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Việt Nam đang đối mặt với thách thức mất cân đối đó là dân số già nhưng kinh tế chưa phát triển, chế độ đãi ngộ người cao tuổi còn hạn chế, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già còn thiếu.

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Quản lý và Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tổ chức Hội thảo “Nhận thức và sự chuẩn bị cho tuổi già, vai trò chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam.”

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam và bà Brigitte Koller, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ An sinh xã hội tại Việt Nam của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) chủ trì hội thảo.

Hội thảo là hoạt động nằm trong Dự án “Hỗ trợ an sinh xã hội tại Việt Nam” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA) và Viện nghiên cứu Quản lý và Chính sách công (IPPM) thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ những phát hiện từ nghiên cứu về nhận thức và sự chuẩn bị cho tuổi già ở Việt Nam; kết quả đánh giá mức độ đáp ứng của các chính sách hiện nay của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề mà người cao tuổi Việt Nam đang phải đối mặt.

Hội thảo đề xuất các định hướng và chính sách phù hợp hơn nữa cho mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Trong cơ cấu dân số hiện nay của Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, đến năm 2050 số người cao tuổi sẽ tăng gần gấp ba, từ 10% dân số hiện nay lên 26%.

Trong khi đó, mức lương hưu còn thấp, phần lớn người cao tuổi đều sống dựa vào người thân trong gia đình và tự làm việc kiếm sống để đảm bảo cuộc sống ổn định.

Trong khi đó, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% người cao tuổi ở thành phố và 21,9% người cao tuổi ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Có tới 70-80% người cao tuổi phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Việt Nam đang trở thành một nước có dân số già. Điều này vừa là thước đo cho sự phát triển của xã hội, điều kiện sống được cải thiện khiến tuổi thọ của con người được kéo dài. Tuy nhiên, mặt trái của nó là mất đi một lực lượng lớn người lao động.

“Hiện nay chúng ta có tỷ lệ một người lao động nuôi một người qua tuổi lao động, nhưng nếu bước vào giai đoạn dân số già, một người lao động phải nuôi 2-3 người qua tuổi lao động.”

Mặt khác, người cao tuổi ở Việt Nam sống già nhưng không khỏe, bình quân một người cao tuổi có 2, 3 bệnh mãn tính.

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, chỉ có 4,8% người cao tuổi có sức khỏe tốt 65,4% là yếu. Trong đó, 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị. Nhiều người già không có bảo hiểm xã hội.

Hiện nay mới chỉ có 20% số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhận định: “Nếu tình trạng này không được cải thiện, 15-20 năm nữa, ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội, đảm bảo đời sống tối thiểu cho người già sẽ lớn gấp nhiều lần hiện nay (hiện chiếm khoảng 5% GDP).

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược lâu dài đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cần có nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục