Gánh nặng bệnh lao

Việt Nam đối mặt với gánh nặng kép về bệnh lao

Việt Nam đứng thứ  12 trong 22 nước có bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới, với 44% dân số nhiễm và hơn 30.000 người chết mỗi năm.
Phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, Việt Nam xếp thứ 12 trong tổng số 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất trên thế giới.

Hiện nay, một thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng về bệnh này là số người mắc bệnh ngày càng tăng trong khi lực lượng làm công tác phòng chống bệnh này ngày càng mỏng và nguồn kinh phí hạn hẹp.

30.000 người chết mỗi năm do bệnh lao

Mỗi năm có khoảng 176.000 người mắc mới bệnh lao các thể và ước tính có trên 30.000 người tử vong mỗi năm do bệnh này gây ra.

Tiến sỹ Phạm Quang Tuệ - Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương đã đưa ra thông tin trên trong cuộc hội thảo trao đổi thông tin về bệnh lao giữa chương trình phòng chống lao quốc gia và các cơ quan truyền thông khu vực miền Bắc, tổ chức ngày 14/11, tại Hà Nội.

Theo ông Tuệ, tại Việt Nam hiện nay có 44 % dân số bị nhiễm lao. Người khi nhiễm lao thường không có biểu hiện gì bất thường. Đa số người nhiễm lao vẫn khỏe mạnh suốt cuộc đời, chỉ có 5-10% số người nhiễm lao có thể trở thành mắc bệnh.

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, người nghèo mắc lao cao hơn 2,5 lần so với nhóm người không nghèo và chính cái nghèo này đã khiến họ không có tiền để điều trị cho khỏi bệnh hoàn toàn. Do vậy, nguy cơ lây bệnh của họ cho những người khác vẫn dai dẳng.

Điển hình như bệnh nhân Vũ Văn Sái (77 tuổi) ở huyện Văn Chấn, Yên Bái bị bệnh lao 50 năm nay và ông đã bị tái phát nhiều lần. Ông Sái bày tỏ, do không có tiền nên ông không đi bệnh viện, mà chỉ tiêm mấy lọ septomisin, đến khi đỡ thì ông lại đi làm. Ông cứ đi mua thuốc uống được mấy lọ thấy đỡ rồi lại thôi.

“Biết điều trị như thế là không khỏi nhưng do nhà không có điều kiện nên cũng không biết phải làm sao,” ông Sái ngậm ngùi.

Theo thống kê của Bệnh viện Lao-Bệnh phổi trung ương, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh nhiễm trùng ở người từ 5 tuổi trở lên. Bệnh lao gây ra tác hại to lớn đến sự phát triển bền vững của xã hội. Những người mắc bệnh này mà không điều trị thì có 50% sẽ chết trong vòng 5 năm, 25% bị tàn phế, chỉ 25% các bệnh nhân có khả năng tự khỏi.

Đặc biệt, một bệnh nhân bị bệnh lao nếu không được điều trị mỗi năm sẽ có khả năng làm lây bệnh cho từ 10-15 người.

Vì vậy, theo ông Sỹ, công tác phòng chống lao thời gian tới cần phải được đặt lên là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội để ngăn chặn những hậu quả mà bệnh này gây ra.

“Đói” nhân lực phòng chống lao

Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng chống bệnh lao đang thiếu trầm trọng. Tỷ lệ bác sĩ cho hoạt động phòng chống lao là 1,5 bác sĩ/100.000 dân - thấp hơn rất nhiều so với mức chuẩn chung đề ra là 12 bác sĩ/100.000 dân.

Ông Sỹ nhận định: “Cán bộ làm công tác chống lao đang già đi và không có người thay thế, trong khi bệnh nhân mắc lao lại đang trẻ lại. Bao nhiêu năm qua, nguồn nhân lực làm công tác này vẫn là những gương mặt cũ, thậm chí lực lượng lại càng mỏng hơn.”

Trao đổi về vấn đề này, vị giám đốc của Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đã Nẵng đã phải thốt lên: “Sau thế hệ chúng tôi, không biết còn ai sẽ làm lao nữa. Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển thêm được một bác sĩ nào.”

Nguyên nhân của tình trạng thiếu cán bộ làm công tác phòng chống lao là do đây là loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi đó mức thu nhập của bác sĩ lại thấp. Việc thiếu cán bộ ở cả hai tuyến tỉnh và huyện một phần là do chính sách, họ không được hưởng nhiều chế độ đặc biệt, do vậy việc thu hút những cán bộ mới về rất khó khăn.

Qua hội thảo, chương trình phòng chống lao quốc gia đề xuất nhà nước cần có sự ưu tiên công tác chống lao vùng sâu vùng xa, có cơ chế hỗ trợ về tài chính để thu hút nhân lực cho hệ thống phòng chống lao nói chung và vùng sâu vùng xa nói riêng.

Bên cạnh đó, giải pháp nhà nước cần hỗ trợ cho bệnh nhân lao nghèo trong thời gian điều trị để hạn chế được số bệnh nhân mắc mới cũng là một đề xuất được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm./.
Người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí.

Khi người khỏe hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao. Nếu sức đề kháng tốt, các vi khuẩn bị khống chế ở “trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh.

Khi sức khỏe người đó bị suy giảm như người bị suy sinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường… là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục