'Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cách mạng 4.0'

'Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu về công nghệ, dư thừa lao động kỹ năng thấp và bất bình đẳng.'
'Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cách mạng 4.0' ảnh 1Lễ cắt băng khai mạc triển lãm quốc tế về công nghiệp, ngày 13/7. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội,”

[Robot Sophia biểu cảm, trả lời câu hỏi khó của phóng viên Việt]

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung thẳng thắn chỉ ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4,” ngày 13/7.


Giai đoạn "bùng nổ"

Trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ đồng thời tác động đến hầu hết các quốc gia. Tại những nền kinh tế phát triển, các Chính phủ đang hết sức chú trọng và chủ động ban hành các chiến lược quốc gia về phát triển 4.0 (như: Industrie 4.0 - Đức, Liên minh Internet công nghiệp - Mỹ, iKorea 4.0 - Hàn Quốc, Made in China 2025 - Trung Quốc...

Đối với Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa đến những cơ hội tích cực trong phát triển và hội nhập đất nước, như nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất đã mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên với xuất phát điểm khá thấp, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước đổi mới mạnh mẽ với một lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa.

Theo đó, quá trình chuyển đổi số hóa cần bắt đầu từ quy mô quản trị công tới các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế - xã hội số với những bước chuẩn bị toàn diện, từ hạ tầng thông tin đến chất lượng nguồn nhân lực, một nền hành chính thông thoáng với năng lực cạnh tranh cao…

Có thể thấy, Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 được tổ chức vào thời điểm này là rất cần thiết, nhằm hoạch định ra chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.

'Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không bắt kịp cách mạng 4.0' ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)


Nhảy vọt... nhờ công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, “việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.

Cách mạng công nghiệp mới mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mang lại tiềm năng cho các quốc gia đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, phát triển nhảy vọt bằng công nghệ cao.”

Song ông Bình chỉ ra, sự liên kết và gắn kết trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kịp thời, đối phó chủ động đồng thời kiểm soát tốt các vấn đề nảy sinh để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Chính phủ cam kết: Hành động cụ thể

Tại các phần tọa đàm, diễn giả từ Chính phủ, bộ ngành và các chuyên gia quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp thảo luận và đề xuất một số chính sách, kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới, nhằm giúp Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện của Ban tổ chức và khẳng định: “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 lần này không chỉ nhằm góp phần xây dựng các Nghị quyết của Bộ Chính trị mà còn là sự kiện quan trọng giúp lan tỏa nhận thức về những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng 4.0 đối với Việt Nam… Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể.”

Thủ tướng đã chỉ ra bốn nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần thực hiện trong thời gian tới, đó là tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin sẵn sàng cho Công nghiệp 4.0; Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số; Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn, triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 được trưng bày với gần 50 gian hàng. Triển lãm lần này quy tụ được sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, với những sản phẩm công nghệ hiện đại như Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, Nhà máy thông minh, Công nghệ nano, Năng lượng tái tạo, Công nghệ robot, Nhà thông minh, Công nghệ blockchain, Fintech, Ảo hóa, Xác định nguy cơ bảo mật, Công nghệ xác thực…

Diễn đàn là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Không chỉ vậy, tại cuộc triển lãm các doanh nghiệp có cơ hội kết nối đầu tư công nghệ, trao đổi trực tiếp và học hỏi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của SOPHIA - người máy Robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban Tổ chức phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - UNDP đưa SOPHIA – “quán quân sáng tạo” tới tham gia tương tác tại Diễn đàn.

Vị công dân đặc biệt này đã có cuộc giao lưu với các nhà quản lý và khách mời tại Diễn đàn. Cô đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng./.

SOPHIA - người máy được cấp quyền công dân đầu tiên, nói chuyện với khách tham quan Triển lãm quốc tế Công nghiệp 4.0, tại Hà Nội.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục