Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức vì đô thị hóa

Là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức do sự bùng nổ của các thành phố.
Là quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do sự bùng nổ của các thành phố.

Làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững đó là những vấn đề được nêu ra và thảo luận tại hội thảo “Các thành phố bền vững, thách thức và cơ hội” được Bộ Xây dựng phối hợp với Siemens và VCCI tổ chức ngày 10/7 tại Hà Nội.

Theo nghiên cứu của Siemens, một phần hai dân số thế giới hiện đang sinh sống tại các thành phố. Dự kiến đến năm 2030, sẽ có thêm khoảng 2 tỷ người sinh sống tại các thành phố, chiếm khoảng 60% dân số thế giới.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ đô thi hóa trong vòng 10 năm qua đã đạt mức 30%, tốc độ tăng trưởng dân cư đô thị cũng đạt từ 3-4%. Đến 2020, dự báo dân số đô thị chiếm 45% dân số toàn quốc. Điều này khiến cho Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho hay, tính đến hết tháng 6/2012, mạng lưới đô thị quốc gia đã đạt con số 760 thành phố. Đây là động lực và hạt nhân tạo điều kiện để chuyển dịch nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức như dân số đô thị tăng nhanh, khoảng cách giàu – nghèo càng lớn và quy hoạch thiếu hơp lý, sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, lãng phí. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ, y tế… cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: “Hiện nay, các đô thị của Việt Nam còn phát triển thiếu tính bền vững thể hiện rõ ở việc quy hoạch còn thiếu và chậm so với nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta còn phải đối mặt với một loạt các vấn đề như môi trường, ùn tắc giao thông.”

Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh: Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển hiệu quả và bền vững một hệ thống đô thị quốc gia, trong đó có các đô thị trung tâm, với quy mô và tính chất đa dạng được phân bổ trên không gian lãnh thổ toàn quốc. Phát triển đô thị không chỉ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà còn bảm đảm an ninh quốc phòng.

Tại hội thảo, ông Lothar Herrman, Tổng Giám đốc Siemens khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương đã giới thiệu về dải sản phẩm, hệ thống và dịch vụ hướng tới sự phát triển bền vững cho các thành phố đang đối mặt với thách thức ở nhiều lĩnh vực như giao thông, tòa nhà, chiếu sáng, cung cấp năng lượng, y tế, nước và an ninh. Đây được cho là các giải pháp mà các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần tham khảo và áp dụng vào thực tế.

“Mang lại những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ tốt nhất có thể cho các thành phố chính là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng và là một phần trong chiến lược tăng trưởng của Siemens. Dải sản phẩm, hệ thống và toàn diện dịch vụ của chúng tôi mang lại giải pháp bền vững cho các thành phố đang đối mặt với thách thức ở nhiều lĩnh vực như giao thông, tòa nhà, chiếu sáng, cung cấp năng lượng, y tế, nước và an ninh,” ông Lothar Herrman cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chính phủ khuyến khích các Bộ ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, hợp tác, học tập kinh nghiệm các nước về các mô hình phát triển bền vững và quản lý đô thị hiện đại trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch xây dựng phát triển đô thị có ý nghĩa chiến lược theo hướng phát triển bền vững, đô thị sinh thái, kiến trúc xanh./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục