Việt Nam dự Hội thảo APEC về an ninh lương thực

Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham dự Hội thảo APEC về an ninh lương thực diễn ra từ 18-21/6, ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, Hội thảo Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về an ninh lương thực với chủ đề "Các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong thực hiện Kế hoạch hành động APEC về An ninh lương thực tại các nước đang phát triển" đã diễn ra từ ngày 18-21/6, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 60 đại biểu đến từ Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Trong bốn ngày hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến việc kỹ thuật tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lương thực; tăng thu nhập cho khu vực nông thôn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; tăng dự trữ lương thực; cải thiện hệ thống vận chuyển và phân phối lương thực; xây dựng năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất nông nghiệp; và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt trong các hoạt động đầu tư sau thu hoạch và vận chuyển.

Thay mặt đoàn Việt Nam, chuyên viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Quang Huy đã trình bày tham luận về tình hình an ninh lương thực của Việt Nam, cũng như giải pháp của chính phủ trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Theo ông Phạm Quang Huy, sau hơn hai thập niên thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lương thực. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia không những có đủ lương thực tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức như tỷ lệ thất thoát lớn do thiên tai, biến đổi khí hậu, hệ thống chế biến và lưu kho nghèo nàn.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp như đưa vấn đề an ninh lương thực quốc gia vào trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện và hiệu quả, làm cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ lương thực tại các vùng miền; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dễ dàng về lương thực, thực phẩm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; phát huy nguồn lực nhân dân và các thành phần kinh tế xã hội trong việc hỗ trợ nhà nước đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Huy cũng cho biết trong năm 2011, sản lượng lương thực của Việt Nam đạt mức kỷ lục 42,3 triệu tấn lúa gạo, trong đó xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn. Năm nay, Việt Nam dự kiến sản xuất 42,5 triệu tấn lúa gạo, xuất khẩu 7,3 triệu tấn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục