Việt Nam dự khóa họp về KH-CN vì sự phát triển

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu lên một số thành tựu khoa học-công nghệ nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế.
Từ ngày 21-25/5, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban Khoa học và Công nghệ vì sự Phát triển của Liên hợp quốc đã khai mạc khóa họp với chủ đề "Ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết những thách thức phát triển".

Khóa họp kéo dài 5 ngày với sự tham gia của đại diện nhiều nước thành viên, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu.

Phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp bộ trưởng ngày 21/5, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu lên một số thành tựu khoa học và công nghệ quan trọng góp phần đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Bộ trưởng cũng đã giới thiệu khái quát "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020" vừa được Chính phủ phê duyệt, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam mong nhận được sự hợp tác rộng rãi của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để phát triển khoa học và công nghệ cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Ngày 22/5, bên lề khóa họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Liên hợp quốc (WIPO) Francis Gurry. Bộ trưởng đề nghị Tổng Giám đốc WIPO hỗ trợ Việt Nam 4 vấn đề: xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT), một nội dung nằm trong "Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020"; xây dựng 3 thương hiệu cho nông nghiệp; xây dựng Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và đào tạo nguồn nhân lực.

Tổng giám đốc WIPO cho rằng Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ là một bước đi rất đúng đắn và quan trọng của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò của SHTT trong phát triển công nghệ cao. Ông ủng hộ Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT nhằm đưa SHTT thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu để phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế-xã hội và văn hóa.

Ông cũng cam kết WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược phát triển thương hiệu cho 3 doanh nghiệp tiêu biểu để làm mô hình mẫu nhân rộng cho các doanh nghiệp khác, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Về việc cử chuyên gia của Việt Nam thực tập tại WIPO, ông Francis Gurry cho rằng sự tham gia của Việt Nam tại WIPO là cần thiết và Việt Nam nên có đại diện tại tổ chức này.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WIPO thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng hai bên đã có mối quan hệ hợp tác rất tốt đẹp. WIPO đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực SHTT thông qua các dự án xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao năng lực và hiện đại hóa hệ thống quản lý SHTT, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT. Sự trợ giúp của WIPO có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục