Việt Nam đưa ra 3 đề xuất tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới

Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15) đã bế mạc ngày 27/11 tại Geneva, với việc thông qua nghị quyết duy trì thang thời gian hiện nay (giờ UTC) với giây nhuận đến WRC 2023.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15) đã bế mạc ngày 27/11 tại Geneva, với việc thông qua nghị quyết duy trì thang thời gian hiện nay (giờ UTC) với giây nhuận đến WRC 2023.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm 16 người, do ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, làm trưởng đoàn đã mang đến hội nghị 15 đề xuất, trong đó có 12 đề xuất chung với các nước châu Á-Thái Bình Dương và 3 đề xuất riêng của Việt Nam.

Các đề xuất và hoạt động của đoàn tại hội nghị tập trung vào mục tiêu đảm bảo sự hài hòa về sử dụng tần số của Việt Nam với thế giới và bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong việc phân bổ và quy hoạch tần số.

Theo Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, việc thay đổi giờ UTC sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực khoa học công nghệ và xã hội.

Trên thế giới, các nước hình thành các quan điểm trái ngược nhau do phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ quốc gia, yếu tố truyền thống lịch sử cũng như vấn đề phổ biến, quảng bá thời gian trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông điện tử.

Các dự báo cho thấy nếu chấm dứt chèn giây nhuận thì giờ UTC sẽ sai khác so với tốc độ quay của Trái Đất là khoảng 30 phút vào năm 2700.

Đề nghị chấm dứt chèn giây nhuận vào giờ UTC đã được thảo luận từ năm 2000 trong ITU-R, tuy nhiên cho đến nay các nước đã không đạt được sự đồng thuận.

Các chuyên gia trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu những khía cạnh liên quan đến thời gian để đạt được tính liên tục của giờ UTC.

Hội nghị WRC-15 còn đưa ra các quyết định về việc sử dụng tần số quốc tế. Các kết quả của Hội nghị trực tiếp quyết định đến sự phát triển của các nghiệp vụ và ứng dụng thông tin vô tuyến trong tương lai.

Hội nghị lần này chú trọng vấn đề phân bổ thêm băng tần cho thông tin vô tuyến băng rộng, cho thông tin vệ tinh, sửa đổi các quy định cho quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh.

Đặc biệt, hội nghị giải quyết một số yêu cầu cấp bách về tần số để phục vụ việc đảm bảo an toàn cho con người.

Hội nghị WRC được biết đến là nơi sẽ rà soát sửa đổi lại thể lệ vô tuyến và giải quyết các thách thức về thông tin vô tuyến hiện nay. Với sự mở rộng mạnh mẽ của các nghiệp vụ thông tin vô tuyến toàn cầu, tất cả các dịch vụ phụ thuộc vào sóng vô tuyến đang cạnh trạnh sử dụng nguồn tài nguyên phổ tần để đáp ứng cho sự ra đời của các ứng dụng mới, sự gia tăng về số người sử dụng và về lưu lượng.

Nội dung và kết quả của WRC-15 giúp đảm bảo việc duy trì một hệ thống pháp lý ổn định, dễ dự đoán và hài hòa giúp đảm bảo cho sự phát triển lâu dài đối với ngành công nghiệp truyền thông giá trị nhiều nghìn tỷ USD.

WRC-15 được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức từ ngày 2 đến ngày 27/11. Tham gia sâu vào hầu hết các lĩnh vực, đoàn Việt Nam tham dự hội nghị với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh, đặc biệt đối với các băng tần đang được sử dụng cho các hệ thống vệ tinh VINASAT./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục