Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về vệ sinh bàn tay

Việt Nam đứng thứ 5 trong số 18 nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hưởng ứng tốt phong trào vệ sinh tay do WHO phát động.
Việt Nam là nước đứng thứ 5 trong tổng số 18 nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đăng ký và hưởng ứng tốt phong trào “Bảo vệ sự sống, hãy vệ sinh tay” do tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động.

Bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng bộ Y tế đã cho biết như vậy trong lễ phát động chương trình “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” do Bộ Y tế và WHO tổ chức ngày 4/5, tại Hà Nội.

Chiến dịch vệ sinh bàn tay được tổ chức nhằm thúc đẩy và cải thiện thực hành về vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh.

Sau 3 năm hưởng ứng phong trào do WHO phát động, đến nay Việt Nam đã có 30 bệnh viện đăng ký hưởng ứng phong trào này và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế vừa qua là một trong ba bệnh viện thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhận giải thưởng của hội đồng vệ sinh tay khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, nhất là việc đầu tư cho phương tiện vệ sinh tay chưa thỏa đáng. Cùng với đó là tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay, sát khuẩn tay tại nhiều bệnh viện vẫn còn thấp, vẫn còn tình trạng sát khuẩn găng tay để dùng lại…

Phát biểu tại lễ phát động, bà Graham Harison, quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra thông tin, ước tính trên toàn cầu có 59 triệu nhân viên y tế, tương đương với  hơn 100 triệu bàn tay chạm vào điều trị bệnh nhân mỗi ngày, nếu cán bộ y tế thực hiện tốt việc vệ sinh tay thì tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế sẽ giảm đi đáng kể.

Theo bà Graham, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy có thể giảm được đến 40% nếu mỗi người thực hiện đều đặn việc rửa tay thường xuyên hằng ngày.

Tại buổi lễ phát động cũng đã diễn ra lễ ký kết hưởng ứng phong trào vệ sinh tay với sự tham gia của nhiều bệnh viện trên cả nước./.

Bàn tay là công cụ để nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và làm mọi việc nên đây là nguồn chứa các tác nhân gây bệnh.
 
Vì vậy, việc tăng cường hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, khởi đầu bằng tăng cường vệ sinh tay nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm giảm sự lây lan và phòng tránh vi khuẩn.
 
Rửa tay là “thuốc kháng sinh” tốt nhất để giảm nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế.
 
Cứ 1cm2 diện tích da chứa từ 10³- 105 khúm vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục