Việt Nam ghi nhận 175 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/6

Theo thông tin từ Bộ Y tế, địa phương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày 8/6 vẫn là Bắc Giang với 98 ca; tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh 39 ca; Bắc Ninh 25 ca.
Việt Nam ghi nhận 175 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/6 ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong vùng phong tỏa tại xã Thạch Trung và phường Nguyễn Du (thành phố Hà Tĩnh). (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 8/6, Việt Nam ghi nhận 175 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca được cách ly sau nhập cảnh tại Quảng Nam, Kiên Giang, An Giang; 171 ca ghi nhận trong nước.

Địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất vẫn là Bắc Giang với 98 ca; tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh 39 ca; Bắc Ninh 25 ca...

Trong số này có 165 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc đã phong tỏa. Đến thời điểm này, đã có 3.549 người bệnh COVID-19 đã được điều trị khỏi; 55 bệnh nhân đã tử vong do liên quan đến dịch COVID-19.

Tính đến hết ngày 7/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và đợt 2 tại các tỉnh, thành phố, với hơn 1,34 triệu liều; trong đó 38.166 người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Sớm hoàn thiện quy trình quản lý khép kín người nhập cảnh vào Việt Nam

Chiều 8/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt và công nghệ xét nghiệm quang học đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2. Đến nay, kết quả ban đầu được đánh giá khả quan.

Dự kiến, trong tuần này, Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.

Liên quan đến việc đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tích hợp các giải pháp, phối hợp với các đơn vị để hoàn chỉnh quy trình; hiện đang chạy thử trước khi trao đổi, báo cáo lại với Bộ Y tế.

Do nhu cầu đưa đón chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ người nhập cảnh vào Việt Nam để Bộ Y tế nghiệm thu trong tuần tới.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy trình đưa đón chuyên gia, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, tạo thành quy trình quản lý khép kín, từ khi tiếp nhận đăng ký nhập cảnh, cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà…

[Hà Tĩnh ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2]

Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vaccine (bởi các loại vaccine hiện hành có hiệu quả từ 70-90%), sau đó việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm trong đợt chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang để sớm ban hành Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp và phổ biến ngay cho các địa phương.

Quan tâm chăm sóc cán bộ, chiến sỹ trên tuyến biên giới

Ngày 8/6, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm, động viên lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam tại thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lưu ý tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục xây dựng lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 vững mạnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài, nhất là quan tâm chăm sóc cán bộ, chiến sỹ trên tuyến biên giới đảm bảo sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước tặng tỉnh Kiên Giang 5 máy thở để phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, khẩu trang y tế; tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và trao 200 triệu đồng hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tiếp nhận nhiều vật dụng y tế, hàng thiết yếu

Ngày 8/6, Bộ Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ các vật dụng y tế và hàng thiết yếu từ đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn DKSH Việt Nam; Công ty Humasis Vina hỗ trợ 3.000 test nhanh kháng nguyên COVID-19 do Humasis Hàn Quốc sản xuất tương đương 600 triệu đồng.

Công ty Wakamono trao tặng 100.000 khẩu trang diệt virus và Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Bộ Y tế máy móc thiết bị trị giá 1 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF), 174 tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine do Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI) tài trợ, Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc cung ứng đã đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Những tủ lạnh này sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế tuyến huyện ở 23 tỉnh Tây Nguyên và miền Nam để bảo quản vaccine, bao gồm cả vaccine phòng COVID-19; góp phần hỗ trợ tăng cường hệ thống y tế, đặc biệt là Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam.

Hiện, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang hoàn tất các thủ tục tiếp nhận, vận chuyển các tủ lạnh đến 23 tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục