Việt Nam ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6/6

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 6/6, Việt Nam có tổng cộng 7.191 ca ghi nhận trong nước và 1.556 ca nhập cảnh; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.621 ca.
Việt Nam ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6/6 ảnh 1Cán bộ y tế ghi tên vào mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ 18h ngày 5/6 đến 18h ngày 6/6, Việt Nam ghi nhận thêm 206 ca mắc mới, gồm 5 ca nhập cảnh và 201 ca trong nước.

Tỉnh Bắc Giang vẫn đứng đầu với số ca mắc là 121 ca, Bắc Ninh 40 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 31 ca, Hà Tĩnh 5 ca, Hà Nội và Bình Dương đều ghi nhận 2 ca. Trong số 201 ca ghi nhận trong nước có 198 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Tính đến 18h ngày 6/6, Việt Nam có tổng cộng 7.191 ca ghi nhận trong nước và 1.556 ca nhập cảnh; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.621 ca.

Cả nước có 15 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Cũng trong ngày 6/6, đã có 58 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 3.368 ca; 53 ca tử vong có liên quan đến COVID-19.

Ca tử vong ở Bắc Giang không liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua về một nam công nhân ở Bắc Giang tử vong sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, ngày 6/6, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu cho biết các chuyên gia khẳng định ca tử vong này không liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19.

Vào 19 giờ 49 phút ngày 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân Quàng Văn Đ., sinh năm 1993, địa chỉ xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Địa chỉ nơi cư trú là thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Khoảng 1 giờ trước khi vào viện, bệnh nhân đang ngồi nói chuyện, xuất hiện đau đầu sau đó cảm giác yếu tay trái rồi đột ngột hôn mê, được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê sâu, da tím đầu chi lạnh, niêm mạc hồng nhạt, đồng tử hai bên giãn 4mm, không có phản xạ ánh sáng. Tim nhịp chậm, mờ, tần số 50 lần/phút; huyết áp 180/90 mmHg; phổi thông khí giảm hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán vào viện trong tình trang hôn mê, theo dõi xuất huyết não.

Bệnh nhân được tiến hành đặt ống nội khí quản, bóp bóng có ôxy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Đến 21 giờ 10 phút bệnh nhân hôn mê sâu, tiến hành sốc điện 2 lần xuất hiện nhịp tim trở lại.

Đến 21 giờ 40 phút, bệnh nhân được chụp CTscan sọ não, kết quả cho thấy có hình ảnh xuất huyết não kích thước lớn bán cầu đại não phải, chảy máu khoang dưới nhện vùng thái dương và lều tiểu não 2 bên, phù não lan tỏa.

[Tối 6/6, ghi nhận 60 ca mắc mới trong nước, trong đó TP.HCM 11 ca]

Đến 10 giờ ngày 5/6, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, đồng tử hai bên giãn 5mm, không có phản xạ ánh sáng, người nhà bệnh nhân ký cam kết xin về. Chẩn đoán khi ra viện của bệnh nhân là hôn mê sâu, xuất huyết não diện rộng.

Theo thông tin từ Sở Y tế Bắc Giang, bệnh nhân Quàng Văn Đ. làm việc tại Công ty Luxshare (trụ sở ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), được tiêm phòng COVID-19 từ ngày 2/6, sau tiêm phòng bệnh nhân có sức khỏe ổn định.

Các địa phương nâng cấp độ phòng, chống dịch

Ngày 6/6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương liên quan khẩn trương tham mưu kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, giáo viên, học sinh và những lực lượng liên quan phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với các địa phương, Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát (có thể sử dụng công nghệ thông tin để lấy danh sách lưu trú) tất cả các trường hợp đến, về Đà Nẵng từ các vùng dịch (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội từ ngày 20/5 đến nay nhưng không thuộc diện đã được cách ly tập trung và cách ly tại nhà) để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2; có báo cáo đánh giá đúng và đề xuất cụ thể nới lỏng các hoạt động, kèm theo biện pháp áp dụng sau khi thành phố Đà Nẵng đủ 21 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Cũng trong ngày 6/6, phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định Long An không "ngăn sông cấm chợ," thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát chặt chẽ những người về từ vùng đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu, các cấp, ngành cần tiếp tục tuần tra kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

Các địa phương cần tập trung làm tốt việc sửa chữa các khu cách ly tập trung, đáp ứng tốt nhu cầu phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm không lây nhiễm chéo trong khi năng lực điều trị của địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, các công ty cần xây dựng kịch bản tự cách ly tập trung khi có tình huống đột xuất xảy ra.

"Hiện nay, theo báo cáo của các địa phương mỗi ngày đều có các trường hợp F1 trở về trên địa bàn tỉnh, theo đó, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục kiểm soát ngay từ đầu, truy vết nhanh, khoanh vùng gọn các trường hợp F1, F2 để kịp thời chủ động các giải pháp phòng, chống dịch," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục