Việt Nam giảm 75% tỷ lệ tử vong bà mẹ

Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 về giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ khi sinh, với tỷ lệ chỉ còn khoảng 58/100.000 ca đẻ sống, hoàn thành mục tiêu giảm 3/4 tỷ lệ tử vong bà mẹ trong giai đoạn 1990 - 2015.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 về giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ khi sinh, với  tỷ  lệ chỉ còn khoảng 58/100.000 ca đẻ sống, hoàn thành mục tiêu giảm 3/4 tỷ lệ tử vong bà mẹ trong giai đoạn 1990 - 2015.
 
Số liệu này được đưa ra tại báo cáo "Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008" do Bộ Kế hoạch Đầu tư làm chủ biên với sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa được công bố.
 
Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản, các chương trình y tế liên quan đến sức khỏe bà mẹ như chương trình làm mẹ an toàn hay chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010 trên tất cả các vùng của đất nước, do đó sức khỏe các bà mẹ không ngừng được cải thiện, tỷ suất tử vong bà mẹ có liên quan đến thai sản đã có xu hướng giảm. Trong đó, sự hỗ trợ, can thiệp của các cán bộ y tế có tay nghề khi các bà mẹ sinh nở đã đóng góp không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ tử vong.
 
Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy vào năm 1990 cứ 100.000 trẻ em ra đời sống thì có 233 bà mẹ tử vong. Vào năm 2005, tỷ lệ này đã giảm mạnh mẽ xuống còn 80/100.000. Đây được coi là một nỗ lực và thành công lớn của Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ khi sinh.
 
Ngoài ra, đến năm 2010, Việt Nam sẽ cố gắng để số phụ nữ có thai được theo dõi thai nghén đạt tỷ lệ 95%; phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất 3 lần đạt tỷ lệ 60%, phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván đạt 95%, phụ nữ có thai được uống viên sắt đạt 95%...
 
Tuy nhiên, vài năm gần đây, tỷ lệ tử vong bà mẹ giảm chậm lại và chưa nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng còn nghèo vẫn xảy ra các trường hợp tử vong bà mẹ rất đáng tiếc do việc tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế.
 
Để đạt được các mục tiêu trên vào năm 2010 và hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là chăm sóc trước sinh bằng nhiều hình thức nhằm cung cấp thông tin cho phụ nữ có thai và tạo thói quen cho phụ nữ có thai đi khám thai sớm và đều đặn trong thời kỳ mang thai.
 
Trong đó, việc thuyết phục các bà mẹ người dân tộc thiểu số đến các dịch vụ khám sức khỏe sớm và thường xuyên trong thời gian mang thai, đến sinh con ở bệnh viện, trung tâm y tế. Đồng thời cần tiếp tục nỗ lực cải tiến khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phương tiện tránh thai, tăng cường giáo dục nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, các biện pháp tránh thai an toàn./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục