Việt Nam hỗ trợ CH Tchad phát triển nông nghiệp

Các điểm dự án triển khai mô hình lúa, thủy sản, chăn nuôi của các kỹ sư nông nghiệp Việt Nam ở Cộng hòa Tchad được đánh giá hiệu quả.
Ngày 28/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Cộng hòa Tchad, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã họp đánh giá cuối kỳ về việc thực hiện Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam-FAO-Tchad, đồng thời thảo luận về những nội dung hợp tác trong thời gian tới.

Thực hiện hiệp định ký kết ba bên về hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho Cộng hòa Tchad, trong hai năm 2011 và 2012, Việt Nam đã tuyển chọn và cử 10 chuyên gia và kỹ thuật viên nông nghiệp sang hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, quy hoạch thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, nuôi ong mật…

Đến nay, các điểm của dự án triển khai mô hình lúa, thủy sản, chăn nuôi được đánh giá là có hiệu quả nhưng mới chỉ ở mô hình trình diễn do chuyên gia và kỹ thuật viên của Việt Nam đảm nhiệm. Việc triển khai nhân rộng để chính kỹ thuật viên và nông dân Tchad tham gia chưa thực hiện được.

Mô hình chăn nuôi đã triển khai 28 trang trại gà với tổng số 48.000 con gà, chuyển giao kỹ thuật tiêm phòng vắcxin…

Mô hình trồng lúa nhờ áp dụng kỹ thuật và giống lúa của Việt Nam cho năng suất cao gấp 3 lần so với giống lúa địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Tchad, ông Dangde Laobele Damaye, Tchad mong muốn hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nhưng đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, đào tạo cho nông dân.

Từ 4 năm trở lại đây, người dân Tchad đã sử dụng máy kéo, máy cày trên đồng ruộng nên cần hỗ trợ về kỹ thuật sử dụng, đào tạo thợ lái máy kéo… Tuy nhiên, ông Dangde Laobele Damaye cho biết, rào cản ngôn ngữ là điều khó khăn mà hai bên gặp phải khiến công việc chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sản xuất lúa gạo là thế mạnh và Việt Nam có thể giúp TChad tăng cường đội ngũ khoa học kỹ thuật, chuyên gia giỏi lựa chọn giống lúa và quy trình sản xuất phù hợp với TChad.

Việt Nam cũng đồng ý cử và đào tạo chuyên gia về nông nghiệp cho Tchad.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Tchad cần xây dựng nhiều mô hình trình diễn lúa gạo ở nhiều vùng khác nhau và để có thể nhân ra diện rộng cần tập huấn cho nông dân nhiều hơn và về lâu dài cần hình thành hệ thống khuyến nông.

Việt Nam hiện có hệ thống khuyến nông tới xã, thôn bản với hơn 20.000 người hoạt động. Tchad cũng cần có hệ thống thủy lợi phù hợp và nghiên cứu hoàn thiện môi trường chính sách khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên diện rộng.

Đại diện FAO đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trên thế giới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực thông qua chính sách đổi mới của mình.

Đảm bảo an ninh lương thực cần hành động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…FAO cũng coi việc truyền kiến thức, kinh nghiệm đào tạo nhân lực là quan trọng nhất.

Việc Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia sang đào tạo giúp đỡ các nước là phù hợp với chiến lược của FAO trong Hợp tác Nam-Nam ./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục