Việt Nam hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững

Cuộc đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững tại Hạ Long sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững.
Việt Nam hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững ảnh 1Toàn cảnh buổi Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trước thềm cuộc Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển bền vững diễn ra ngày 19/6 tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về sáng kiến tổ chức, các mục tiêu đặt ra và ý nghĩa của sự kiện này.

- Sự kiện Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển bền vững được tổ chức tại Hạ Long lần này là 1 trong chuỗi những hoạt động quan trọng diễn ra trong Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đây là sự kiện quan trọng trong Năm APEC Việt Nam 2017, sau hội thảo kỹ thuật về du lịch bền vững được tổ chức nhân Phiên họp quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM1) và tháng 2/2017 tại Nha Trang vừa qua.

Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển bền vững có sự tham gia của khoảng 150 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO); Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA); Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)...

Việc tổ chức cuộc đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực, trong việc hoạch định chính sách phát triển du lịch bền vững mà Việt Nam luôn theo đuổi nhiều năm qua.

Đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các biện pháp tăng cường việc hợp tác và hội nhập trong khu vực một cách hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.

- ​Qua sự kiện này, các nhà lãnh đạo Du lịch APEC sẽ đưa ra Tuyên bố chung và các khuyến nghị, định hướng cụ thể về phát triển du lịch bền vững trong khu vực APEC, cụ thể đó là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để có thể phát triển du lịch bền vững, các lãnh đạo Du lịch APEC đưa ra một số khuyến nghị, theo đó, tập trung vào sự bền vững và toàn diện về xã hội, kinh tế và tài chính trong các hoạt động trong tương lai khi du lịch là ngành có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các cơ hội đối với các nền kinh tế APEC.

[Khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững]

Ngoài ra, thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường sự tăng trưởng toàn diện thông qua việc tạo điều kiện để du lịch phát triển tại nhiều khu vực địa lý hơn nữa ở các nền kinh tế.

Đối thoại cũng cân nhắc tới việc thành lập mạng lưới các điểm đến du lịch phát triển đồng bộ, bền vững và toàn diện giữa các nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ hợp tác với các diễn đàn khác trong APEC và các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan nhằm chia sẻ các điển hình tốt để thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong phát triển du lịch bền vững.

Cuối cùng, đối thoại sẽ nhấn mạnh các điển hình tốt của các nền kinh tế về phương pháp theo dõi và đo lường nhằm phát triển du lịch bền vững giữa các nền kinh tế APEC.

- Du lịch Việt Nam trong hợp tác du lịch APEC sẽ như thế nào và việc triển khai các mục tiêu đề ra sau sự kiện Đối thoại hôm nay là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Sau Tuyên bố chung hôm nay, mỗi nền kinh tế thành viên APEC sẽ hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra theo những cách riêng của mình.

Tuy nhiên, việc triển khai cần đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng về du lịch; giữ được sự an toàn và bền vững của hệ môi trường sinh thái; cân bang, ổn định về xã hội và con người, tránh gây những tổn hại, ảnh hưởng tới các di sản văn hóa…

Việt Nam vốn là đất nước với hệ sinh thái đa dạng, phong phú; các di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới cần được gìn giữ và bảo tồn… thì những yêu cầu ấy còn quan trọng và cấp thiết hơn nữa.

Chính phủ và các đơn vị, bộ, ngành có liên quan chắc chắn dành nhiều sự ưu tiên để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Việt Nam cũng luôn tham gia thường xuyên và tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên.

Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên APEC và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho các du khách.

Như năm qua, đã có 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC.

Sau sự kiện Đối thoại chính sách cấp cao APEC về du lịch bền vững hôm nay, các nền kinh tế, các tổ chức, cá nhân trên toàn cầu; trong đó có các thành viên APEC tiếp tục tích cực tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục