Việt Nam hợp tác với cộng đồng quốc tế chống cực đoan bạo lực

Từ ngày 25-26/1, Hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan bạo lực (IDC 2016) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Việt Nam hợp tác với cộng đồng quốc tế chống cực đoan bạo lực ảnh 1Trưởng đoàn các nước chụp ảnh cùng Thủ tướng Malaysia Najib Razak (thứ 5 từ phải). (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Từ ngày 25-26/1, Hội nghị quốc tế về chống chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan bạo lực (IDC 2016) diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, với sự tham dự của các Bộ trưởng/trưởng đoàn, học giả đến từ các nước thành viên ASEAN và 9 nước đối tác chiến lược của Malaysia gồm Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Anh và Mỹ.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Dũng dẫn đầu.

Hội nghị nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan an ninh trên toàn thế giới thông qua các chương trình chống cực đoan bạo lực, chia sẻ và phân tích các hoạt động hiệu quả trong các chương trình phòng chống cực đoan bạo lực giữa các nước tham gia, và xác định nhóm đối tượng dễ nhiễm tư tưởng cực đoan và vai trò của các chính phủ trong việc cải tạo họ trở về với cộng đồng, xã hội.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết quyết định về tổ chức hội nghị IDC 2016 này đã được công bố tại Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về sự trỗi dậy của tình trạng cực đoan hóa và cực đoan bạo lực hồi tháng 10/2015.

Hội nghị IDC 2016 nhằm thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các quốc gia, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan an ninh hướng tới giải quyết bất kỳ các hình thức tấn công khủng bố, đặc biệt là những kẻ đánh bom liều chết.

Ông nhấn mạnh những kẻ đánh bom liều chết đã nhanh chóng trở thành mối đe dọa ngày càng lớn bởi vì chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Những kẻ này có thể di chuyển đó đây trong các bộ dạng cải trang như khách du lịch, nhân viên văn phòng, dân thường, công nhân, học sinh hoặc thậm chí những người thuyết giáo.

Đây là một thách thức lớn, do vậy việc cấp bách là phải xem xét bản chất thay đổi liên tục của chủ nghĩa khủng bố và và các hoạt động cực đoan bằng các biện pháp tiếp cận toàn diện hơn và đổi mới.

Việc trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm phòng chống khủng bố là rất quan trọng, ông cho biết, bày tỏ hy vọng rằng tinh thần hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại hội nghị lần này sẽ được tiếp tục trong những năm tới.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết mối đe dọa của nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo là rất hiện hữu đối với Malaysia và chính phủ đang xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này. Malaysia không cho phép quá ''cởi mở'' đối với sự xâm nhập của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan vào Malaysia.

Chính vì vậy, chính phủ đã xây dựng luật pháp để bảo vệ dân tộc, trong đó có Luật tội phạm an ninh (các biện pháp đặc biệt), Các biện pháp đặc biệt chống khủng bố trong Luật Nước ngoài, Luật phòng chống khủng bố, và Luật Hội đồng an ninh quốc gia.

Tại hội nghị, các trưởng đoàn và học giả trình bày tham luận về tình hình, thách thức, các biện pháp phòng chống cực đoan bạo lực cũng như sự hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực này.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Dũng đã nêu rõ quan điểm, chính sách, các hoạt động và thành tựu của Việt Nam trong phòng, chống tư tưởng cực đoan bạo lực, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, song phương với cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực chống khủng bố, chống tư tưởng cực đoan bạo lực.

Việt Nam đề nghị lực lượng chức năng các nước cần tăng cường các hoạt động hợp tác đa dạng, thiết thực, cụ thể là tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN để kiểm soát, ngăn chặn các nguồn tại trợ và các trang mạng Internet kích động, truyền bá tư tưởng cực đoan bạo lực, khủng bố; chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong quản lý xuất nhập cảnh, xử lý các vấn đề liên quan đến di trú; tiếp tục xây dựng thiết lập các kênh thông tin giữa các quốc gia trên cơ sở bổ sung hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về đấu tranh phòng, chống cực đoan hóa và cực đoan bạo lực; thường xuyên tổ chức các diễn đàn khu vực và quốc tế để cập nhật tình hình, thúc đẩy các cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm ngăn chặn, đấu tranh chống các thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng các tổ chức có tư tưởng cực đoan bạo lực khủng bố; và hỗ trợ lẫn nhau về vật chất, tinh thần, phương tiện để nâng cao năng lực đối phó với tư tưởng, hoạt động cực đoan bạo lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục