Việt Nam không phát triển nếu không có Đảng CSVN

Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản khẳng định nếu không có ĐCSVN, Việt Nam không có phương hướng phát triển như hiện nay.
Nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc trao đổi với nguyên Thượng nghị sỹ Yasuo Ogata, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa hai chính đảng.

Dưới đây là nội dung chính của cuộc trao đổi:

- Ông có thể cho biết đánh giá của mình về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo?

Phó Chủ tịch JCP: Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1986 và đến nay đã được 25 năm. Trong suốt quá trình đó, Việt Nam đã đạt được thành quả lớn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và ngoại giao. Việt Nam đã đưa ra định hướng là hướng tới một xã hội mới mà chúng tôi rất quan tâm. Chúng tôi muốn biết Việt Nam sẽ triển khai định hướng này như thế nào tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Trong quá trình Đổi mới đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra định hướng là tiến tới chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường. Chúng tôi cho rằng đó là con đường chưa có tiền lệ và chưa có ai đi trước trong lịch sử nhân loại.

Chúng tôi hy vọng rằng thông qua các cuộc thảo luận tại Đại hội này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tạo ra bước tiến mới trên con đường này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc bổ sung cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội này.

Về mặt kinh tế-xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất lớn. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%/năm. Tôi đã từng đọc một bài bình luận cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã kéo cả kinh tế khu vực như ASEAN trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là Việt Nam đã đạt thành tựu rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo và Ngân hàng Thế giới đã đánh giá rất cao thành tựu này.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong các năm 2008 và 2009. Đáng chú ý, năm ngoái, khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, các bạn đã tạo ra một khuôn khổ mới trong ASEAN là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và góp phần tăng cường sự đoàn kết trong ASEAN để đối phó với các vấn đề chung của khu vực.

Trên cơ sở các thành tựu đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thông qua Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội trong 10 năm tới, trong đó chú trọng tới chất lượng tăng trưởng, sự bình đẳng và công bằng trong xã hội, và nâng cao tính dân chủ. Tôi nghĩ rằng chiến lược này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển trong giai đoạn mới của Việt Nam.

- Ông có bình luận gì về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo đất nước để đạt được các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội như vậy?

Phó Chủ tịch JCP: Tôi nghĩ rằng đó là một vai trò mang tính quyết định. Nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam không có phương hướng phát triển như hiện nay, không có công cuộc Đổi mới hoặc không có định hướng tiến tới chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường.

- Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản?

Phó Chủ tịch JCP: Chúng tôi rất vui mừng về sự phát triển trong quan hệ giữa hai đảng. Mối quan hệ này được xây dựng từ những năm 1960, khi các đồng chí Việt Nam vẫn đang phải đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là một mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, vững mạnh và tin tưởng.

Quan hệ này đã không ngừng phát triển trong thời gian qua. Bây giờ, khi chiến tranh đã kết thúc, JCP hy vọng sẽ nâng cao quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam với tinh thần vững mạnh như thời đó và phù hợp với tình hình hiện nay.

Tôi đã thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1976, ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Tôi đã chứng kiến tận mắt những tàn tích của cuộc chiến tranh. Sau đó, tôi đã thăm Việt Nam nhiều lần và cũng được chứng kiến tận mắt những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam như tôi đã đề cập ở trên…. Qua các chuyến thăm đó, tôi thấy hết sức ngạc nhiên về sự phát triển to lớn của Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2007 tại Hà Nội, Chủ tịch JCP Kazuo Shii và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhất trí về các định hướng hợp tác giữa hai đảng trong thời gian tới gồm: đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa hai nước; hợp tác vì hòa bình ở châu Á và thế giới; cộng tác xây dựng đảng.

Trên cơ sở định hướng đó, chúng tôi đang phát triển mối quan hệ giữa hai đảng. Sau đó, đồng chí Tô Huy Rứa đã sang thăm Nhật Bản và đồng chí Tetsuzo Fuwa thăm Việt Nam.

Năm ngoái, đồng chí Tô Huy Rứa đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Nhật Bản và hai đảng đã tiến hành trao đổi lý luận, với nội dung rất phong phú. Chúng tôi mong muốn quan hệ giữa hai đảng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng như vậy và sẽ tăng cường giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau.

- Theo ông, trong thời gian tới, hợp tác hai đảng nên tập trung vào lĩnh vực gì?


Phó Chủ tịch JCP: Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động giao lưu và trao đổi lý luận. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm rất lớn tới vấn đề hòa bình ở châu Á như việc giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Đó chính là một biện pháp mà ASEAN áp dụng.

Chúng tôi nghĩ rằng biện pháp đó rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi muốn tăng cường trao đổi với Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này để quan hệ giữa hai đảng không chỉ tập trung vào các vấn đề lý luận mà còn cả các vấn đề mang tính thực tiễn như vậy.

- Xin chân thành cảm ơn ông./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục