Việt Nam được bầu vào hội đồng tư vấn phòng chống lao

Việt Nam lần đầu được bầu vào hội đồng tư vấn phòng chống lao

Tại cuộc họp thứ 16 Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao, tổ chức từ ngày 13-15/6, ở Thụy Sĩ, Việt Nam lần đầu có đại diện được bầu vào Hội đồng.
Việt Nam lần đầu được bầu vào hội đồng tư vấn phòng chống lao ảnh 1Các thành viên Hội đồng STAG TB, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung ngồi ngoài cùng bên phải. (Ảnh: Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cung cấp)

Trong khuôn khổ cuộc họp lần thứ 16 của Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phòng chống bệnh lao (STAG TB), diễn ra từ ngày 13-15/6, tại Geneva của Thụy Sĩ, Việt Nam lần đầu tiên có đại diện được bầu vào STAG TB - cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO.

Cuộc họp lần thứ 16 của STAG TB là cuộc họp rất quan trọng mở đầu cho chiến lược mới kết thúc bệnh lao giai đoạn 2016-2035.

Trong cuộc họp, Việt Nam đã được nhắc tới như một quốc gia đi đầu trong nỗ lực tuyên chiến chống bệnh lao. Việt Nam đã có cam kết chính trị mạnh mẽ với chiến lược phòng chống lao ở cấp quốc gia khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2014.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, đã được Tổng giám đốc WHO bổ nhiệm là 1 trong 23 thành viên của hội đồng. Theo quy định, thành viên STAG TB được Tổng giám đốc bổ nhiệm trong nhiệm kỳ 2016-2018 và có thể tham gia nhiệm kỳ tiếp theo nhưng không quá năm 2021.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết do mục tiêu chiến lược đề ra rất cao, do đó hoạt động nghiên cứu và đổi mới được coi là cột trụ quan trọng trong 3 cột trụ của chiến lược kết thúc bệnh lao. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực này và sẽ cung cấp những bài học kinh nghiệm giúp triển khai có hiệu quả công tác phòng chống lao trong thời gian tới.

Đề cập tới vai trò mới của Việt Nam trong hoạt động chống lao toàn cầu, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nhận định công tác chống lao của Việt Nam đã có những thành công trong thời gian qua, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 90% các trường hợp mắc mới.

Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4,6% từ năm 2000 đến nay, cao hơn mức trung bình của thế giới. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao tại Việt Nam và đến nay đã có gần 6000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị. Năm nay, Việt Nam đã bắt đầu sử dụng thuốc mới, phác đồ mới điều trị cho những người bệnh mắc lao siêu kháng thuốc, vốn là những trường hợp trước đây không có thuốc chữa.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia Hội đồng STAG TB với tư cách là thành viên chính thức, bài học thành công cũng như chưa thành công của Việt Nam sẽ được chia sẻ với cộng đồng thế giới như một mô hình nhằm chỉ ra những can thiệp có định hướng để đi tới hoàn toàn kết thúc bệnh lao.

Hiên Việt Nam đã có mạng lưới nghiên cứu mạnh với tên gọi là VICTORY - Trung tâm hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi Việt Nam thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương. Cùng với Chương trình chống lao quốc gia, đây sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn mà Việt Nam có thể chia sẻ cho toàn cầu.

Trên cơ sở những kinh nghiệm đã áp dụng thành công, Việt Nam có thể góp phần hoạch định các hoạt động chiến lược, khoa học và kỹ thuật phòng chống lao cho WHO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục