Việt Nam, Nhật Bản bàn về nghiên cứu năng lượng

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wakasa Wan (Nhật Bản) sẽ trao đổi học thuật với Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân Công nghiệp VN.
Vào giữa tháng 3, ông Kojiro Kobayashi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wakasa Wan (WERC) của Nhật Bản sẽ tới Việt Nam để trao đổi học thuật với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân Công nghiệp (CANTI) của Việt Nam về các ứng dụng của chùm ion.

Đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác giáo dục và trao đổi học thuật mà hai trung tâm nghiên cứu này đã ký kết vào tháng 11/2009.

Phát biểu với phóng viên TTXVN trước khi lên đường sang Việt Nam, ông Kobayashi cho biết các hoạt động hợp tác và trao đổi quốc tế giữa các trung tâm nghiên cứu không những giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp làm tăng lượng kiến thức mới mà các bên thu được thông qua quá trình này.

Theo thỏa thuận trên, các trung tâm này sẽ tiến hành các cuộc nghiên cứu chung và các dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên thực vật nhiệt đới tự nhiên của Việt Nam để làm nguyên liệu cho việc tạo giống thực vật bằng phương pháp chiếu xạ.

Các trung tâm cũng nghiên cứu về việc kích thích đột biến thực vật bằng phương pháp chiếu xạ; sử dụng các thiết bị của hai trung tâm như thiết bị đầu cuối chiếu xạ chùm ion, dải gamma và các phòng thí nghiệm sinh hóa phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Bên cạnh đó, hai trung tâm nghiên cứu sẽ trao đổi thông tin và vật liệu trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trao đổi các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và các công trình nghiên cứu, tổ chức các hội thảo và các buổi diễn thuyết…

Theo ông Kobayashi, năm ngoái, nhà khoa học Lê Ngọc Triều của CANTI cũng đã tới WERC để nghiên cứu về việc tạo giống thực vật bằng cách chiếu xạ chùm ion.

Được thành lập vào tháng 9/1994, WERC đặt trụ sở ở tỉnh Fukui – địa phương có tới 15 nhà máy điện hạt nhân và là nhà cung cấp điện hạt nhân lớn nhất Nhật Bản.

Các hoạt động của WERC tập trung vào các hoạt động nghiên cứu sử dụng chùm ion để điều trị ung thư, tạo giống thực vật bằng phương pháp chiếu xạ chùm ion, tổng hợp chùm ion và phân tích chùm ion; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tuyết và năng lượng sinh học, các công nghệ truyền tải nhiệt và sử dụng nhiệt; các công nghệ liên quan tới năng lượng hạt nhân; nghiên cứu sử dụng thiết bị khoa học./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục