Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển vận tải quốc tế

Theo Giám đốc điều hành khu vực châu Á của ABP, với sự hồi phục kinh tế dự báo 7-8%, Việt Nam là thị trường vận tải đầy tiềm năng.
Ngày 17/6, tại cuộc họp báo ra mắt chi nhánh vận tải quốc tế đầu tiên của Công ty vận tải toàn cầu BDP (Mỹ) ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Mike Andaloro, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của ABP cho biết với sự hồi phục kinh tế dự báo 7-8%, Việt Nam được coi là thị trường dịch vụ vận tải đầy tiềm năng.

Theo ông Mike Andaloro, tại Việt Nam, thuế xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm sau khi ký hiệp định thương mại song phương với nhiều nước; còn Việt Nam xếp thứ 5 châu Á về thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Đây là lý do để dịch vụ vận tải tăng trưởng tốt và được nhiều công ty nước ngoài nhắm tới.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có trên 240 triệu tấn hàng hóa xuất nhập qua hệ thống cảng biển của Việt Nam, mang lại nguồn thu lớn cho ngành vận tải biển.

Dự báo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tổng lượng hàng qua cảng Việt Nam đến năm 2015 đạt khoảng 500 triệu tấn; năm 2020 khoảng 1 tỷ tấn; năm 2030 khoảng 2 tỷ tấn.

Nhìn rộng ra, khu vực miền Bắc, có một nguồn hàng rất lớn là vùng Tây Nam Trung Quốc, một thị trường có 320 triệu dân. Hàng hóa từ vùng này, nếu đi qua cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn nửa quãng đường vận chuyển, tiết kiệm 50% chi phí so với đi qua Quảng Đông (Trung Quốc).

Ở miền Trung, đường xuyên Á sẽ là con đường ngắn nhất để hàng hóa từ Lào, vùng đông bắc Thái Lan và một phần của Myanmar đến cảng cửa ngõ quốc tế của Việt Nam, từ đó đi các thị trường trên thế giới.

Miền Nam cũng có đường xuyên Á từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia với thị trường khoảng 100 triệu dân./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục