Việt Nam nỗ lực để trẻ em được thụ hưởng các quyền chính đáng

Việt Nam nhận thức rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em có thêm cơ hội thụ hưởng các quyền chính đáng và vốn có của mình.
Việt Nam nỗ lực để trẻ em được thụ hưởng các quyền chính đáng ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguyễn Hồng Pha/TTXVN)

Là quốc gia đang phát triển, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam nhận thức rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em có thêm cơ hội thụ hưởng các quyền chính đáng và vốn có của mình một cách bình đẳng; được chăm sóc, bảo vệ toàn diện về thể chất và tinh thần.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định như vậy tại hội thảo "Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả-kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam" được tổ chức ngày 7/12, tại tỉnh Bắc Giang. Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trình bày 8 tham luận nêu bật những kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế trong việc giám sát thực hiện hiệu quả quyền trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, bảo vệ trẻ em hiện không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Vấn đề này đã được Liên hợp quốc công nhận là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế dành cho trẻ em, bởi vì trẻ em là tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của toàn nhân loại. Việt Nam vinh dự là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới ký Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (còn gọi là Công ước CRC).

25 năm qua, kể từ ngày ký Công ước, Việt Nam luôn nhất quán chính sách là dành sự ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đã ban hành Hiến pháp mới và nhiều đạo luật quan trọng; trong đó xác định Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của trẻ em. Hiến pháp mới đã ghi nhận các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền của trẻ em. Hiến pháp xác định rõ: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.”

Cùng với đó, quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em được quan tâm và được lồng ghép trong quá trình xây dựng pháp luật. Công tác giám sát của Quốc hội, của các cơ quan dân cử ở địa phương trong việc thực hiện pháp luật về quyền trẻ em ngày càng được quan tâm, chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế cần được tiếp tục quan tâm, hoàn thiện.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, sự xâm nhập của các loại hình văn hóa, giải trí không lành mạnh, sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa thành thị và nông thôn, miền núi; nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân về các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em đã tác động rất lớn đến việc bảo đảm các quyền của trẻ em trên thực tế.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại, hành hạ, ngược đãi, lạm dụng, bị bóc lột sức lao động còn diễn ra phức tạp, nhất là đối với trẻ em gái, trẻ em sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tồn tại đó đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị.

Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực xây dựng chính sách, giám sát của các cơ quan dân cử, nghiên cứu cơ chế đối thoại với Quốc hội về các vấn đề trẻ em, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, hỗ trợ việc xây dựng pháp luật phù hợp với Công ước quyền trẻ em. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của UNICEF trong việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức hội thảo này.

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh UNICEF vinh dự được hợp tác với Quốc hội Việt Nam và các đối tác tổ chức các buổi thảo luận xung quanh việc xây dựng một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập ở Việt Nam trong thời gian qua.

Dựa vào bối cảnh đặc biệt của mình và thông qua quá trình tham vấn, Việt Nam có thể tự quyết định xây dựng mô hình phù hợp và đảm bảo tính chất độc lập của cơ quan giám sát. UNICEF cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ này trong khuôn khổ công ước quốc tế về quyền trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục