Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa các quyền của người khuyết tật

Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực để hiện thực hóa các quyền đối với người khuyết tật bằng cách phá vỡ các rào cản và mở ra các cơ hội dành cho họ.
Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa các quyền của người khuyết tật ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký lưu niệm trên tấm ápphích về việc chung tay thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế về người khuyết tật và sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong nước, các tổ chức quốc tế bằng tấm lòng, tình yêu thương đã góp phần mang đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho người khuyết tật; mong rằng bằng hoài bão, ước mơ, tất cả người khuyết tật sẽ phát huy các giá trị đích thực của mình để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, ngày 3/12 hàng năm là ngày Quốc tế người khuyết tật đã được Liên hiệp quốc khởi xướng từ năm 1992 nhằm thúc đẩy và nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật.

Việc tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật là dịp để nhìn lại những thành tựu, nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; những khó khăn, thách thức cần tiếp tục khắc phục và phấn đấu xây dựng một xã hội không rào cản, một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả người khuyết tật.

Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 2006 là một trong những Công ước nhân quyền toàn diện nhất về quyền của người khuyết tật.

Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước là cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam thể hiện quan điểm nhất quán của mình đối với lĩnh vực nhân quyền nói chung và người khuyết tật nói riêng...

Bộ trưởng cho biết với tư cách là cơ quan quản lý trong lĩnh vực người khuyết tật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch, phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các tổ chức để triển khai có hiệu quả Công ước.

Bộ trưởng mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ cùng chung tay để triển khai, thực hiện hiệu quả Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật nhằm bảo đảm thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực.

Chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, ông Joakim Paker, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho rằng người khuyết tật cần được hưởng các quyền cơ bản mà không phải chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào. Do đó, cần các biện pháp tích cực để người khuyết tật có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả vào xã hội.

Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật cho thấy nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của người khuyết tật.

Bước tiếp theo, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực để hiện thực hóa các quyền đó đối với người khuyết tật bằng cách phá vỡ các rào cản và mở ra các cơ hội dành cho họ. Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn được hỗ trợ các nỗ lực trong tương lai của Việt Nam vì chính người khuyết tật Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã nghe nội dung Công ước về quyền của người khuyết tật; đánh giá thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi thực hiện Công ước, dự kiến triển khai thực hiện của Việt Nam...

Đồng thời, các đại biểu đã ký lưu niệm trên tấm áp phích về việc Chung tay triển khai thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật để bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục