Việt Nam nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Phó Thủ tướngkhẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh.
HTML clipboard Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh như phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, chống tham nhũng…
 
Phát biểu tại các phiên thảo luận của Hội nghị thường niên Diễn đàn Doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu 2009 ở Đại Liên, Trung Quốc, Phó Thủ tướng nói các đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh của nhiều tổ chức, trong đó có WEF, cho thấy Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về năng lực cạnh tranh, nhất là trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.
 
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng nâng cao năng lực cạnh tranh là một quá trình lâu dài và khó khăn. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu quyết liệt, Việt Nam cần phải chuyển đổi tư duy phát triển sang chiến lược dựa vào lợi thế cạnh tranh và năng suất lao động nhằm đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất trong “chuỗi giá trị” của khu vực châu Á, một cửa ngõ dịch vụ quan trọng của Đông Nam Á và Tiểu vùng Mekong.
 
Về việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng châu Á, Phó Thủ tướng khẳng định mặc dù các nước châu Á đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song sự phục hồi của kinh tế thế giới sau khủng hoảng sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho thương mại quốc tế nói chung và xuất khẩu của châu Á nói riêng. Thương mại trong khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy, Việt Nam cần làm sâu sắc và thực chất hơn hợp tác kinh tế khu vực, trước hết là các khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand.
 
Phó Thủ tướng cho biết để phát huy những lợi thế cạnh tranh và thích ứng với những đòi hỏi của tình hình mới, Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp có tính đột phá về xây dựng thể chế kinh tế, đặc biệt là đột phá về cải cách doanh nghiệp nhà nước, tài chính-ngân hàng, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý hiệu quả; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
 
Trong ba ngày làm việc, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu, đã tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận gồm “Những nhà vô địch mới về năng lực cạnh tranh”, “Cuộc đối thoại với các tổng giám đốc hoặc giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu” và “Định hình lại mô hình tăng trưởng của châu Á.”
 
Đoàn Việt Nam còn có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo Thành phố Đại Liên, Thủ tướng Macedonia, Chủ tịch WEF Klaus Schwab, lãnh đạo các Tập đoàn Huawei, Omnicom, BT…
 
Ngày 12/9, sau ba ngày làm việc, Hội nghị thường niên Diễn đàn Doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu 2009 (gọi tắt là Hội nghị WEF Đại Liên) đã kết thúc tốt đẹp. Tại cuộc họp báo chiều 11/9, đại diện của WEF đã chính thức công bố Việt Nam là nước được chọn để tổ chức Hội nghị WEF Đông Á năm 2010.
 
Hội nghị WEF Đại Liên là một trong những diễn đàn quan trọng của WEF được tổ chức từ năm 2007. Từ năm 2009, WEF chủ trương nâng tầm Hội nghị WEF Đại Liên như một Hội nghị có quy mô và tầm cỡ tương đương với Hội nghị WEF tại Davos, Thuỵ Sĩ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục