Việt Nam nỗ lực ngăn chặn thất nghiệp

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp và chính sách quan trọng để ngăn chặn tình trạng mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp và chính sách quan trọng để ngăn chặn tình trạng mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngày 16/6, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về khủng hoảng việc làm toàn cầu, đang diễn ra tại Geneve (Thụy Sĩ), Bộ trưởng cho biết cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay tác động tiêu cực tới việc làm và trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm 2009, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chỉ đạt khoảng 5% so với 6,1% của năm trước. Trong quý I/2009, Việt Nam có 65.000 người bị mất việc làm, xấp xỉ số người mất việc làm trong cả năm 2008. Ngoài ra, hàng nghìn lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng phải về nước do mất việc làm. Số lao động bị mất việc làm chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm.

Trước tình hình này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp, chính sách quan trọng nhằm ngăn ngừa lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tăng cường thực thi các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có việc triển khai gói kích thích kinh tế 8 tỷ USD (khoảng 9% GDP).

Chính phủ đã thực hiện bổ sung một số chính sách và biện pháp duy trì việc làm và phát triển thị trường lao động như hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn với chính sách vay vốn ưu đãi để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động; cho người lao động vay vốn để học nghề, tạo việc làm ở trong nước và đi lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu tiên đặc biệt và tăng nguồn lực thực hiện các chương trình đa dạng liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội.

Bà Ngân cho biết Việt Nam cũng đang tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, hoạch định những kế hoạch phát triển dài hạn cho thời kỳ tới với tầm nhìn chiến lược dài hạn, trong đó ưu tiên phát triển thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng, nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường quan hệ lao động và đối thoại xã hội, cải cách chính sách tiền lương, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, và đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động.

Bộ trưởng đánh giá cao những phản ứng kịp thời của ILO trong việc tổ chức, nghiên cứu, đánh giá các diễn đàn ở khu vực và toàn cầu, nhằm đưa ra các khuyến nghị và biện pháp giúp các quốc gia vượt khủng hoảng, đặc biệt là đề xuất Hiệp ước việc làm toàn cầu. Bộ trưởng cũng cảm ơn sự đóng góp có hiệu quả của ILO trong quan hệ với Việt Nam theo các khuôn khổ hợp tác việc làm bền vững giai đoạn 2006-2010.

Trong thời gian tham dự hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng các nước thuộc Phong trào không liên kết (NAM), làm việc với bộ trưởng lao động các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gặp gỡ Bộ trưởng Lao động và An sinh Xã hội Cuba, Thứ trưởng Lao động và Xã hội Đức và Thứ trưởng Phát triển nguồn nhân lực Trung Quốc.

Trong các cuộc gặp gỡ này, các bên đã trao đổi những khó khăn và thách thức đối với lĩnh vực lao động việc làm trong thời kỳ khủng hoảng; các chính sách, giải pháp của chính phủ nhằm giảm thiểu thất nghiệp, duy trì việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực việc làm, dạy nghề và an ninh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục