Việt Nam quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính

Đề án 30 của Chính phủ được xem là bước đột phá của Việt Nam trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, cắt giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đề án 30 của Chính phủ được xem là bước đột phá của Việt Nam trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, cắt giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Kế hoạch 3 năm

Ngày 25/2, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), phối hợp với Phòng thương mại Mỹ (AmCham) đã tổ chức buổi trò chuyện về đề án này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho hay, hiện nay, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực hiện đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Để giải quyết những tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30).

Với thời gian thực hiện 3 năm, Đề án 30 sẽ tiến hành thống kê, rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại tất cả các cấp chính quyền. Tiếp theo, các thủ tục hành chính này sẽ được đơn giản hóa theo ba tiêu chí lớn là tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của thủ tục hành chính. Cuối cùng, Đề án sẽ tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tất cả các thủ tục hành chính đang được thực hiện tại mọi cấp chính quyền liên quan đến người dân, doanh nghiệp và được công bố công khai trên mạng internet.

“Đây sẽ là một cơ sở dữ liệu đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam về thủ tục hành chính, được trình bày theo hướng dễ hiểu, dễ tuân thủ, kèm theo các văn bản quy định thủ tục hành chính, mẫu đơn mẫu tờ khai hành chính, các yêu cầu hoặc điều kiện cần có để thực hiện các thủ tục hành chính," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chú trọng công nghệ thông tin

Nhằm bảo đảm hiệu quả của đề án, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, tổ công tác rất đặc biệt chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện cũng là tiêu chí quan trọng.

Thời gian qua, một khối lượng lớn công việc đã được triển khai. Ngoài việc thành lập, kiện toàn bộ máy thực hiện đề án, Tổ công tác đã xây dựng trang web có địa chỉ www.thutuchanhchinh.vn đóng vai trò là kênh thông tin của Đề án với các bên có liên quan... “Đây cũng sẽ là nền tảng giao diện của cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính,” ông Phúc nói.

Tổ công tác đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống máy chủ và phần mềm Máy xén phục vụ công tác thống kê thủ tục hành chính. Đây được xem là công cụ hữu hiệu trong việc triển khai Đề án.

Trước một số câu hỏi của các cán bộ, chuyên gia trong nước và nước ngoài, Bộ trưởng Phúc cho hay, ngoài cổng thông tin bằng tiếng Việt, sẽ có một cổng thông tin ngôn ngữ tiếng Anh để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng truy cập, sử dụng dữ liệu về thủ tục hành chính.

Về câu hỏi Chính phủ có dự án nào cụ thể cho công nghệ thông tin khi rất chú trọng vấn đề này, ông Phúc nói, Chính phủ Việt Nam đã có chương trình chính phủ điện tử. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong thời gian gần đây là rất tiến bộ.

Về việc nhiều doanh nghiệp viết thư cho nhiều cấp chính quyền khác nhau và rất… ít khi nhận được câu trả lời hoặc không nhận được. Bộ trưởng Phúc thẳng thắn trả lời rằng, hiện nay có quá nhiều thủ tục phức tạp, tồn tại sự diễn giải giữa Trung ương và địa phương dẫn đến chậm quá trình của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ chưa hiểu biết, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Tuy nhiên, “Quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam là kiên quyết cắt bỏ thủ tục rườm rà, để cho người dân làm ăn thuận lợi,” bộ trưởng Phúc nhấn mạnh./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục