Việt Nam sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao ASEAN 16

Gần một tuần nữa sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 2010 tại thủ đô Hà Nội. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.
Chỉ còn một tuần nữa là sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội. Đây là Hội nghị cấp cao thứ nhất do Việt Nam tổ chức và chủ trì trên cương vị Chủ tịch ASEAN nên việc chuẩn bị cho Hội nghị diễn ra rất sớm và kỹ lưỡng.
 
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Thư ký ASEAN 2010 – Bộ Ngoại giao, xung quanh công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 9/4/2010.
 
- Xin ông cho biết nhận xét về công tác chuẩn bị đến thời điểm này?
 

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Có thể nói đến nay công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Về lễ tân, các kế hoạch đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng và phu nhân đi theo đoàn đã được lên kịch bản từ rất sớm. Từ chuyện ăn ở, đi lại từ khách sạn đến trung tâm hội nghị, rồi đón tiếp, họp mặt đều được chuẩn bị rất chu đáo.
 
Các phương án an ninh do Tiểu ban An ninh phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội làm rất tỷ mỷ chi tiết, từ phương án chính thức đến giả định tình huống tắc xe, kẹt xe... đều có phương án dự phòng. Tiểu ban Vật chất-Hậu cần cũng đã nhập hơn 260 chiếc xe mới để đón đoàn nguyên thủ và tập dượt rất kỹ.
 
Nói chung, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn một số công việc đang chờ các phái đoàn tham dự Hội nghị đến để chúng tôi tiếp tục triển khai.
 
- Sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực thì đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có những chuẩn bị gì đặc biệt?
 
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Phương châm chuẩn bị đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 là tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Chính vì thế, mọi công việc chuẩn bị đều đã hoàn thành từ rất sớm.
 
Chủ trương của Việt Nam là các hoạt động đón tiếp phải thể hiện được tính trang nghiêm, mến khách của nước chủ nhà nhưng cũng phù hợp với thông lệ ASEAN, không phô trương, lãng phí. Việc trang trí các phòng họp cũng như trang trí đường phố đều được chuẩn bị chu đáo và có nét riêng của Việt Nam.
 
Thành phố Hà Nội cũng đang cố gắng chỉnh trang khung cảnh đô thị, đường từ sân bay Nội Bài về thành phố đang được tu bổ cho nhẵn, đường phố được dọn dẹp sạch đẹp, treo băngrôn, biểu ngữ... thể hiện văn minh đô thị.
 
- Với tư cách là Phó ban thư ký, điều gì còn khiến ông bận tâm về Hội nghị sắp diễn ra?
 
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Hội nghị cấp cao ASEAN 16 sắp tới dự kiến có khoảng 1.000 khách, trong đó có hơn 300 phóng viên và hơn 600 đại biểu từ các nước ASEAN. Hiện nay, chỗ ăn ở đã được bố trí ổn định ở 5 khách sạn lớn tại Hà Nội.
 
Thực tế, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm tổ chức những hội nghị lớn rồi nên không có gì đáng ngại, an ninh cũng đã đầy đủ các phương án di chuyển, bảo vệ, phòng ngừa hết tất cả các tình huống dự phòng có thể xảy ra. Y tế cũng đã chỉ định một số bệnh viện lớn sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố; tại các khách sạn, hội nghị đều có nhóm y tế trực, chuẩn bị tốt vệ sinh an toàn thực phẩm...
 
Chỉ có điều đường sá Hà Nội khá chật hẹp, chủ trương của Ủy ban Quốc gia ASEAN là không có phương án cấm đường, mọi sinh hoạt của thành phố vẫn diễn ra bình thường nên công tác dẫn đường để Hội nghị diễn ra an toàn, đúng giờ, không bị tắc đường đang được cân nhắc, có thể sẽ mở riêng luồng tốc hành cho các đoàn xe của Hội nghị.
 
- Chủ đề của năm ASEAN 2010 là “Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã chuẩn bị những gì để cộng đồng ASEAN thấy rõ chủ đề này?
 
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Năm nay có thể coi là năm khởi đầu thực hiện hoạt động của ASEAN theo đúng Hiến chương ASEAN nên các nước trong khối đánh giá rất cao định hướng này của Việt Nam.
 
Ngoài hai tuyên bố chung của ASEAN về phục hồi và phát triển bền vững và tuyên bố về ứng phó với biến đổi khí hậu, năm nay, theo sáng kiến của Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một phiên họp toàn thể giữa lãnh đạo các nước ASEAN, với sự tham gia của các bộ trưởng phụ trách ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm thảo luận phương hướng; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN.
 
Bên cạnh đó, còn có các hoạt động mà chúng tôi đã và sẽ tổ chức như cuộc thi tìm hiểu ASEAN của Đài tiếng nói Việt Nam, thi sáng tác ảnh, phát hành tem về ASEAN. Trong tháng 7 sẽ một tuần có kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia ASEAN với rất nhiều hoạt động bên lề.
 
Còn trong dịp này, Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ có những triển lãm ảnh về đất nước, con người và kinh tế Việt Nam.
 
- Cơ hội của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN là gì, thưa ông?

 
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Với cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tổ chức một chuỗi các hội nghị trong cả năm 2010. Do đó, công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị sẽ diễn ra tại nhiều nơi và trong thời gian dài.
 
Đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu về đất nước, con người, nét đặc sắc về văn hóa, tiềm năng kinh tế, du lịch, v.v… Đây cũng là dịp để các địa phương trong cả nước quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư, thương mại, giao lưu văn hóa.
 
- Các địa phương được chọn tổ chức hội nghị sẽ phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Xuân Thủy: Yêu cầu đầu tiên là phải có sân bay, khách sạn. Chúng tôi đã đi khảo sát tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu... Cái khó lớn nhất hiện nay là làm sao cho khách nối chuyến qua Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội được thuận lợi để không ảnh hưởng đến chương trình họp cũng như lịch trình của các đoàn.
 
Bên cạnh đó, ở những tỉnh, thành nhỏ, các khách sạn còn bé, nhân lực phục vụ cũng hạn chế khiến việc tổ chức hội nghị cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chủ trương của chúng tôi sử dụng phần nhiều nhân lực tại chỗ để nâng cao khả năng tổ chức của các địa phương.
 
Trong tháng 4 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng là một lựa chọn mới, ngoài những thành phố lớn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
 
- Xin cám ơn ông!

Thuận Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục