Việt Nam tăng cường hợp tác với Brunei, Myanmar

Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước tới Brunei và Myanmar sẽ mở ra hướng phát triển hợp tác mới giữa Việt Nam và hai nước này.
Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Tổng thống Myanmar Thein Sein, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Brunei từ 27-29/11/2012 và Myanmar từ 29/11-1/12/2012.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Brunei và Myanmar tiếp tục đà phát triển tốt đẹp.

Việt Nam-Brunei: 20 năm hợp tác cùng phát triển

Đầu năm nay, Việt Nam và Brunei đã kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (29/2/1992-29/2/2012).

Trong thời gian qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, trong đó, hợp tác về kinh tế-thương mại-đầu tư có nhiều khởi sắc. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 204 triệu USD năm 2011, riêng trong 9 tháng của năm 2012 con số này đã đạt 403 triệu USD.

Brunei có 129 dự án với tổng giá trị 4,9 tỷ USD, đứng thứ 12/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng có một dự án đầu tư vào Brunei với tổng vốn đăng ký 650.000 USD là dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Thịnh, đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh kim loại mầu, kim loại quý, kinh doanh hóa chất.

Hai nước còn có những hợp tác trong một số lĩnh vực khác như nông-ngư nghiệp, dầu khí, lao động, thủy sản, giáo dục-đào tạo... có nhiều tiềm năng phát triển.

Trong hợp tác về giáo dục, hai nước chủ yếu thông qua các khuôn khổ hợp tác đa phương. Những năm gần đây, Brunei đều đặn cấp cho Việt Nam một số học bổng tại các trường đại học, một số học bổng đào tạo về dầu khí và tiếng Anh. Hợp tác văn hóa giữa hai nước đều được mỗi bên tích cực thúc đẩy, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2012), hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại mỗi nước.

Việt Nam và Brunei đều là thành viên của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, thường xuyên có quan hệ hợp tác chặt chẽ, trao đổi đoàn, thi đấu, tập huấn, tham gia các khóa đào tạo, tham dự Hội nghị về thể dục thể thao được tổ chức ở mỗi nước.

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong những năm gần đây phát triển tốt, song chỉ dừng ở mức trao đổi đoàn quân sự các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và tìm hiểu khả năng hợp tác cùng có lợi giữa quân đội hai nước. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (2005), thiết lập phòng tùy viên quốc phòng (2010).

Hợp tác an ninh giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan Brunei được duy trì đều đặn, tuy hai bên chưa triển khai được nhiều hợp tác cụ thể, chủ yếu là thông qua các diễn đàn hợp tác đa phương như ARF, Interpol, Aseanapol, SOMTC...

Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như lao động, hiện có khoảng 1.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Brunei. Hai nước đã ký kết một số hiệp định, thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai bên như các Hiệp định về hàng không, thương mại, hợp tác hàng hải; Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Brunei cùng một số Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch, quốc phòng, thể thao, thanh niên...

Việt Nam-Myanmar: Đối tác tin cậy trong ASEAN

Myanmar là nước có quan hệ rất sớm với Việt Nam, hai nước đã trọng thể kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2010). Myanmar luôn coi Việt Nam là đối tác tin cậy trong ASEAN, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Trong bối cảnh hợp tác giữa các nước ASEAN ngày càng được thúc đẩy, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Myanmar cũng có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2011 đạt 167 triệu USD và 9 tháng năm 2012 là 157,4 triệu USD (Việt Nam nhập 89,1 triệu USD, xuất khẩu 77,3 triệu USD). Tổng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar đăng ký tính đến hết năm 2011 đạt 500 triệu USD và còn nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đang chờ được cấp phép.

Việt Nam đã tiến hành mở đường bay trực tiếp từ Hà Nội-Yangon, Thành phố Hồ Chí Minh-Yangon, Văn phòng đại diện Hàng không Việt Nam tại Yangon; Văn phòng đại diện BIDV tại Yangon; Công ty đầu tư và phát triển Myanmar ( MIDC); Văn phòng đại diện Tổng Công ty Viettel tại Yangon; Văn phòng dầu khí Việt Nam...

Trong năm 2011, hai bên thúc đẩy tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa đến với người dân hai nước.

Tháng 5/2012, hai nước đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 6 Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại tại Myanmar, mở ra nhiều triển vọng mới cho hợp tác kinh tế thương mại đầu tư hai nước.

Hợp tác giữa Việt Nam-Myanmar đã được hai bên xác định 12 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, ngân hàng-tài chính, hàng không, viễn thông... Hai bên chủ yếu hợp tác qua hình thức trao đổi đoàn chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm.

Về lâm nghiệp, hiện tập đoàn cao su Việt Nam đang nghiên cứu triển khai đề án trồng 200.000ha cao su tại Myanmar. Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn chưa ký được thỏa thuận hợp tác đầu tư do chưa thống nhất được địa điểm thực hiện dự án...

Myanmar coi trọng cao hợp tác với Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Myanmar đã xác định ưu tiên hợp tác nông nghiệp và thủy sản với Việt Nam. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12/2011), Việt Nam và Myanmar đã ký thêm được 2 Bản ghi nhớ về "Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn" và Bản ghi nhớ viện trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 250.000 USD của BIDV cho Bộ Nông nghiệp Myanmar. Hai bên cũng đang thúc đẩy việc hợp tác kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương trong các lĩnh vực lợi thế mỗi bên...

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Brunei và Myanmar nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Brunei và Myanmar; trao đổi phương hướng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Brunei và thúc đẩy hợp tác với Myanmar; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, thâm nhập thị trường tại Brunei và Myanmar./.

Bùi Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục