Việt Nam tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á-TBD

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dẫn đầu đoàn Quốc hội Việt Nam dự hội nghị lần thứ 20 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 9/1, Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-20) đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Tokyo, với sự tham dự của các nghị sỹ đến từ 27 nước thành viên APPF và một số nước quan sát viên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam tham dự hội nghị này.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã kêu gọi tăng cường sự phối hợp giữa Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) và các cơ chế khác trong khu vực nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh và tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói kể từ APPF 19 tới nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện những yếu tố nằm ngoài dự báo. Vì vậy, APPF “cần có sự điều chỉnh về cơ cấu theo hướng chặt chẽ và thực chất hơn, gắn kết và phối hợp sâu rộng với các cơ chế khác trong khu vực nhằm phát huy được đầy đủ sức mạnh và tiềm năng của khu vực.”

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kế thừa và phát huy có hiệu quả các cơ chế khu vực đã có, trong đó nguyên tắc ASEAN giữ vai trò trung tâm, hướng tới mục tiêu thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin.

“Châu Á-Thái Bình Dương cần tăng cường đối thoại, hợp tác tích cực vào việc xử lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp của khu vực như vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các cơ chế, công cụ hợp tác sẵn có, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Quy tắc Hướng dẫn thực hiện DOC” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tái khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thực hiện tốt các cam kết quốc tế; củng cố các cơ chế chỉ đạo và triển khai các thỏa thuận quốc tế.”

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều này được khẳng định bằng sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, AIPA và APPF trên các lĩnh vực an ninh-chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Takahiro Yokomichi, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, đồng Chủ tịch APPF-20, nói trong gần 20 năm qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phải đối phó với rất nhiều khó khăn và thách thức như cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau “cú sốc Lehman Brothers” năm 2008, những thay đổi trong hệ thống an ninh quốc tế sau Chiến tranh lạnh, cuộc chiến chống khủng bố và hàng loạt thảm họa thiên tai trên diện rộng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các nước trong khu vực đã đoàn kết để vượt qua các thách thức này.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều khó khăn và thách thức, ông Yokomichi đã kêu gọi các nghị sỹ ở các nước thành viên APPF tiếp tục tăng cường hợp tác để tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển hơn nữa của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng chung quan điểm với ông Yokomichi, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Kenji Hirata, đồng Chủ tịch APPF-20, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực và đề nghị các đại biểu thảo luận các biện pháp nhằm giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương vượt qua các khó khăn và thách thức trong tương lai. Trong bốn ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên các lĩnh vực như phòng chống thiên tai, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ của Liên hợp quốc và hợp tác về an toàn hạt nhân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về tình hình kinh tế, an ninh và chính trị trong khu vực và quốc tế. Cũng tại APPF-20, các đại biểu sẽ thảo luận các đề xuất của Nhật Bản nhằm sửa đổi các quy tắc về thủ tục của APPF. Kết thúc hội nghị, các đại biểu dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung Tokyo mới nhằm vạch ra các phương hướng và tầm nhìn mới cho diễn đàn quan trọng này.

Được thành lập vào tháng 3/1993, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) là một diễn đàn để các nghị sỹ ở các nước thành viên có thể thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực hướng tới mục tiêu đảm bảo hòa bình và phát triển trong khu vực, thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực.

Cùng ngày, bên lề APPF-20, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gặp Phó Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Seishiro Eto.

Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Quốc hội đã bày tỏ sự khâm phục trước bản lĩnh kiên cường của người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác để giúp Nhật Bản khắc phục thảm họa vừa qua.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn việc Nhật Bản cung cấp vốn ODA để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Hạ viện Eto đã bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật và hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác lớn của Nhật Bản ở châu Á.

Bên cạnh đó, ông cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau trận động đất kinh hoàng năm ngoái, cũng như việc Việt Nam đã tạo điều kiện cho Nhật Bản tham gia các dự án quan trọng như khai thác đất hiếm và xây dựng nhà máy điện hạt nhân./.


Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục