Việt Nam tham dự khóa họp 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu đề cao vai trò quan trọng của Hội đồng Nhân quyền trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam tham dự khóa họp 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ảnh 1 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu tại khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Quang Hải/TTXVN)

Ngày 13/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Genev, Thụy Sĩ.

Khóa họp dự kiến kéo dài diễn ra từ ngày 13/6 đến ngày 1/7.

Tại Hội đồng Nhân quyền, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu đề cao vai trò quan trọng của Hội đồng Nhân quyền trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam sẽ luôn dành những nỗ lực cao nhất để đảm bảo tốt hơn các quyền và tự do cơ bản cho người dân cũng như tích cực đóng góp và hợp tác với các quốc gia, các cơ quan Liên hợp quốc để thúc đẩy viêc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại diễn đàn Hội đồng Nhân quyền.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Quý vị,

Tôi rất vinh dự được phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền, cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc về quyền con người, nhất là nhân dịp Hội đồng Nhân quyền kỷ niệm 10 năm ngày ra đời. Trước tiên, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi xin chúc sức khỏe, hạnh phúc đến Ngài Chủ tịch và toàn thể Quý vị đại biểu có mặt tại đây hôm nay.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Quý vị,

Chỉ với 10 năm hoạt động, Hội đồng Nhân quyền đã thể hiện rõ vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Thành công lớn nhất của Hội đồng Nhân quyền chính là việc thúc đẩy được xu hướng đối thoại, hợp tác, đặc biệt là thông qua cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), một cơ chế hoạt động trên nguyên tắc khách quan, minh bạch, hợp tác, xây dựng, đối xử bình đẳng với mọi quốc gia cho dù quốc gia đó là lớn hay nhỏ. Chính tinh thần này đã giúp cơ chế UPR nhận được sự ủng hộ của các quốc gia và được triển khai một cách nghiêm túc kể cả trong quá trình rà soát, báo cáo cũng như thực thi các khuyến nghị.

Với Việt Nam, trải qua hai lần tham gia báo cáo và đối thoại theo cơ chế UPR, chúng tôi nhận thấy rõ những đóng góp tích cực của cơ chế này, nhất là trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy phối hợp liên ngành cũng như sự tham gia của người dân trong nỗ lực chung bảo đảm quyền con người. Hiện nay, chúng tôi cũng đang triển khai một Kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị UPR mà chúng tôi chấp thuận.

Đồng thời, chúng tôi nhận thấy rằng, trong bối cảnh thế giới của chúng ta đang phải đương đầu với hàng loạt những vấn đề nóng bỏng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền con người, do đó Hội đồng Nhân quyền cũng đứng trước nhiều thách thức. Ở nhiều nơi trên thế giới, con người vẫn phải vật lộn với đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh. Những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang gia tăng với con số đáng báo động, trong khi việc bảo đảm quyền con người cho các nhóm dễ bị tổn thương vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hợp tác, tăng cường đối thoại trong các vấn đề về quyền con người, thay vì đối đầu hay chính trị hóa. Chỉ có như vậy chúng ta mới đưa ra được các giải pháp phù hợp và mới có thể triển khai các biện pháp thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Đây là cách tiếp cận của Việt Nam trong suốt hơn 2 năm tham gia Hội đồng Nhân quyền và sẽ tiếp tục thực hiện tại Hội đồng Nhân quyền cũng như các diễn đàn khác của Liên hợp quốc.

Thưa Ngài Chủ tịch và các quý vị,

Trong bối cảnh hiện nay, Hội đồng Nhân quyền cần tập trung ưu tiên những vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam mong muốn Hội đồng Nhân quyền dành quan tâm thỏa đáng cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, vì phát triển bền vững có quan hệ mật thiết và cũng không ngoài mục đích bảo đảm quyền con người.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị Hội đồng Nhân quyền chú trọng hơn đến nội dung biến đổi khí hậu và quyền con người, thúc đẩy mạnh mẽ những cam kết, sáng kiến cụ thể trong lĩnh vực này trên cơ sở đóng góp của các quốc gia và các cơ quan của Liên hợp quốc. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thời gian qua đã và đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt. Vì nó kéo theo những thách thức trong việc bảo đảm quyền lương thực, quyền sức khỏe, quyền được đến trường, quyền có nhà ở cho hàng chục triệu người dân trên toàn cầu.

Với Việt Nam chúng tôi, dưới tác động của biến đổi khí hậu, người dân miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu những thiệt hại, khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Việt Nam và các thành viên trong Nhóm nòng cốt dự kiến giới thiệu tại khóa họp này một nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào tác động đối với quyền trẻ em. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của các Quý vị.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Việt Nam sẽ luôn dành những nỗ lực cao nhất để đảm bảo tốt hơn các quyền và tự do cơ bản cho người dân. Những kết quả bước đầu của chúng tôi trong phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội... đang giúp chúng tôi có được nền tảng quan trọng để tiếp tục phấn đấu vì lợi ích của mọi người dân.

Trong 15 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà đã nỗ lực vượt bậc để đưa tỷ lệ đói nghèo từ 58% vào năm 1993 xuống dưới 4,5 % vào năm 2015, đồng thời hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, giảm mạnh mẽ tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Nhưng chúng tôi ý thức được rằng, sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong 15 năm tới để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt phải huy động được các nguồn lực cho phát triển, giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, và quan trọng phải bảo đảm thành quả phát triển đến được với tất cả mọi người, trong đó ưu tiên các đối tượng là phụ nữ, người già, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật...

Để làm được điều đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và sẽ lồng ghép các mục tiêu vào các chương trình, chính sách phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chúng tôi cũng sẽ tích cực đóng góp và hợp tác với các quốc gia, các cơ quan Liên hợp quốc để thúc đẩy viêc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, để Chương trình nghị sự 2030 của chúng ta thực sự vì con người và lấy con người làm trung tâm.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Một lần nữa, tôi muốn khẳng định cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với mục tiêu cao cả của Hội đồng Nhân quyền, đó là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cho tất cả mọi người dân trên trái đất này.

Tôi tin rằng, trên cơ sở tinh thần đối thoại, hợp tác và với một chương trình nghị sự toàn diện, đáp ứng những quan tâm thiết thực của các quốc gia, trong chặng đường phía trước, Hội đồng Nhân quyền chắc chắn sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và tiếng nói trong việc đảm bảo một trong ba trụ cột của Liên hợp quốc, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người dân hôm nay và cả thế hệ mai sau.

Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch và các vị đại biểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục