Việt Nam tham dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế

Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ ba, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 6-13/6 và tại Hà Nội từ ngày 8-14/6.

Ngày 20/5, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, hãng đã đại diện cho Việt Nam tham gia Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ ba.

Liên hoan năm nay có chủ đề "Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh," sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-13/6 và tại Hà Nội từ ngày 8-14/6.

Tham dự liên hoan phim lần này còn có bảy quốc gia châu Âu là Italy, Đức, Thụy Sỹ, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ.

Mỗi quốc gia châu Âu tham dự liên hoan với một phim duy nhất. Phim đề cập tới các đề tài đa dạng, phong phú như tòa án, cú sốc văn hóa, di cư, người cao tuổi, quy hoạch đô thị, âm nhạc, nghệ thuật. Việt Nam tham gia Liên hoan với bảy bộ phim.

Tất cả các phim dự Liên hoan đều được chiếu miễn phí tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, số 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội và tại IDECAF, số 31 Thái Văn Lung, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi buổi sẽ chiếu một phim nước ngoài và một phim Việt Nam như là sự đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam.

Đầu tiên là phim "Khoảng cách" của đạo diễn Trần Phi nói về khoảng cách giàu nghèo, giữa quan tham và người dân bình thường, giữa lời nói và việc làm thông qua hành trình đi tìm công lý trong vụ đất ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Phim thứ hai là "Đi sẽ thấy" của đạo diễn Đào Thanh Tùng-Phan Huyền Thư, đề cập tới việc tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho giới trẻ Việt Nam. Vừa qua, đạo diễn Đào Thanh Tùng đã làm bộ phim "Câu chuyện cải táng" và được trình chiếu trên kênh truyền hình quốc tế Discovery chuyên về phim tài liệu.

Bộ phim tài liệu thứ ba "Lời ru thì buồn" của đạo diễn Mạc Văn Chung nói về cuộc sống của những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài.

Tiếp theo là phim "Chuyện của mọi nhà" của đạo diễn Vương Khánh Luông, đề cập tới vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong thời hiện đại.

Còn phim "Đất lạnh" của đạo diễn Nguyễn Thước lại có nội dung hiện thực về nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thách thức.

Phim thứ sáu là "Kèn đồng" của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, kể về một số người nông dân theo đạo Thiên chúa ở Nam Định, tự mình làm ra kèn để chơi trong dàn nhạc nhà thờ, phục vụ công chúng.

Cuối cùng là "Điệu múa cổ" kể về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm - người đi đầu cách tân ngôn ngữ tạo hình Việt Nam.

Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ ba nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh các tổ chức văn hóa châu Âu tại Hà Nội.

Với ba lần tham gia Liên hoan, Việt Nam đang tái tạo lập chỗ đứng trong bức tranh phát triển văn hóa đa dạng của nước nhà thời kỳ hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế./.

Thanh Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục