Việt Nam tham gia hội thảo ứng phó với biến đổi khí hậu

Các chuyên gia của Việt Nam tham gia hội thảo đã trình bày các dự án trong nước trong nghiên cứu và quản lý hệ thống lưu vực sông.

Trong hai ngày 8-9/2, một cuộc hội thảo về môi trường và công tác quản lý lưu vực sông đã được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước châu Á.

Các chuyên gia Việt Nam từ một số trường đại học trong nước và các cơ quan chính phủ đã tham dự hội thảo và trình bày các dự án nghiên cứu ở Việt Nam thu hút được nhiều mối quan tâm.

Vấn đề môi trường và công tác quản lý lưu vực sông ban đầu do Trường đại học Yamanashi của Nhật Bản khởi xướng và đến nay đã hình thành được một mạng lưới Trung tâm nghiên cứu quốc tế về môi trường lưu vực sông (ICRE-Net).

Nhiều trường đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh cùng các viện nghiên cứu về môi trường và thời tiết của Việt Nam đã bắt đầu tham gia mạng lưới này.

Mục đích của mạng lưới cũng như của cuộc hội thảo là nhằm chia sẻ và thông tin về những tiến bộ gần đây trong công tác nghiên cứu và quản lý hệ thống lưu vực sông.

Các đại biểu đã chia sẻ tri thức kỹ thuật và khả năng hình thành sự hợp tác nghiên cứu trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Tại cuộc hội thảo này chúng tôi đã giới thiệu về những dự án nghiên cứu hiện nay cũng như những thế mạnh của trường chúng tôi để từ đó tìm kiếm sự trao đổi và hợp tác nhằm thiết lập các mối quan hệ trong công tác nghiên cứu. Hiện tại, nhiều đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã được ứng dụng ở Việt Nam như vấn đề đối phó với lũ lụt ở miền Trung, vấn đề biến đổi khí hậu. Các đề tài này đều được đưa ra trao đổi và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học quốc tế để so sánh và tiến tới hợp tác nhằm phục vụ tốt hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam."

Tầm quan trọng của công tác quản lý một cách thích hợp những lưu vực sông đang ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết. Điều đáng lo ngại hiện nay là việc khan hiếm nguồn nước, chất lượng nguồn nước kém và yêu cầu cần thiết phải kiểm soát các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán hay một số vấn đề khác ở các lưu vực sông.

Những tiến bộ quan trọng trong quan sát, phân tích và đánh giá về sự biến đổi khí hậu, môi trường và nguồn nước đạt được thời gian gần đây đang góp phần giúp con người có thể kiểm soát và giảm nhẹ những tác động rủi ro của vấn đề môi trường. Điều này khuyến khích các nhà khoa học ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau.

Tiến sĩ Đào Nguyên Khôi, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tại hội thảo này, chúng tôi đã trình bày nghiên cứu về biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước ở khu vực Tây Nguyên. Trong những năm gần đây, việc thiếu nước trong mùa khô ở Tây Nguyên đang trở nên rất trầm trọng, ảnh hưởng tới tưới tiêu và vấn đề tích trữ nước. Từ nghiên cứu này, tôi hy vọng sẽ có được những góp ý để cải thiện tốt hơn cho những dự án tiếp theo và sau đó sẽ giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách có những biện pháp phù hợp cho vấn đề này."

"Vấn đề biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, nhưng ở từng khu vực khác nhau nó sẽ có những tác động khác nhau. Nhưng chúng tôi cũng đã có được những bài học kinh nghiệm trong vấn đề này từ các nước phát triển của châu Á", ông Khôi cho biết thêm.

Hội thảo lần này đã thu hút hơn 45 đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Có 19 đề tài nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, trong đó đoàn Việt Nam đã đóng góp 5 đề tài ở các lĩnh vực khí hậu và tài nguyên nước, vấn đề xử lý nước ô nhiễm và chăm sóc sức khỏe. Những đề tài này đã giành được mối quan tâm đặc biệt.

Phó Giáo sư Hiroshi Ishidaira, Trường đại học Yamanashi-Nhật Bản, cho biết: "Mục tiêu của hội thảo này là nhằm chia sẻ các kinh nghiệm và ý tưởng mới liên quan tới môi trường và công tác quản lý lưu vực sông. Cho tới nay, trường của chúng tôi đã thiết lập được các mối liên kết và hợp tác với nhiều cơ sở ở các nước châu Á."

Ông Ishidaira nói thêm: "Trong những năm gầy đây, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều sinh viên tham gia mạng lưới ICRE-Net đến từ Việt Nam. Các đề tài nghiên cứu của họ chủ yếu tập trung về việc quản lý nguồn tài nguyên nước, xử lý nước ô nhiễm và chăm sóc sức khỏe. Tôi hy vọng rằng các đề tài này sau đó sẽ phục vụ tốt cho cuộc sống của người dân Việt Nam"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục