Việt Nam tham gia thảo luận về xã hội và nhân quyền

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tham gia phiên thảo luận về các vấn đề phát triển xã hội.
Trong hai ngày 7 và 8/10, tại Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân quyền của Liên hợp quốc đã diễn ra phiên thảo luận tại đề mục phát triển xã hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh những thành tựu các nước đạt được song cho rằng vẫn còn nhiều thách thức.

Đại sứ nhấn mạnh trong bối cảnh thời hạn hoàn thành Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) đang tới gần và cộng đồng quốc tế đang trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 thì việc có các biện pháp giải quyết các vấn đề thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội, bảo đảm phát triển bền vững và bảo trợ xã hội ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo Đại sứ, kinh nghiệm cho thấy trong việc xây dựng chương trình phát triển, vấn đề phát triển kinh tế và xây dựng môi trường thương mại và tài chính thuận lợi phải được chú trọng.

Đại sứ Lê Hoài Trung cũng nêu bật các thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền của người khuyết tật, người cao tuổi và các nỗ lực tạo việc làm cho thanh niên.

Đại sứ đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong hợp tác với cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển xã hội năm 1995 tại Copenhagen (Đan Mạch).

Tại phiên thảo luận, các nước bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá lương thực tăng, tình trạng biến đổi khí hậu đối với các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, từ đó ảnh hưởng tới việc hoàn thành MDGs.

Các nước đang phát triển nhấn mạnh đến các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, cho rằng đói nghèo là một trong những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất và xóa đói nghèo là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia.

Đại sứ các nước cũng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của các chương trình hợp tác quốc tế như hợp tác Nam-Nam, hợp tác ba bên, kêu gọi các nước giàu tăng cường các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển như tăng cường cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), tạo cơ hội thuận lợi cho các nước đang phát triển trong hoạt động thương mại để có thể tham gia vào thị trường quốc tế một cách bình đẳng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục