Việt Nam thành công trong nhiệm kỳ 2 năm tại LHQ

Qua 2 năm trên cương vị thành viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã góp phần giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế.
Khi tới New York, Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết Tổng thống Sri Lanka đã cảm ơn Việt Nam ủng hộ lập trường của Sri Lanka trong cuộc chiến chống lực lượng "Những con hổ giải phóng Tamil".

Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Lương Minh cho biết kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đại diện của các nước thường trực Hội đồng Bảo an đã thường xuyên gặp gỡ trao đổi với đại diện của Phái đoàn Việt Nam về những vấn đề quốc tế sắp được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an.

Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc, thì kể lại câu chuyện khi ông sang dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về hợp tác Nam-Nam ở thủ đô Nairobi của Kenya đầu tháng 12 năm nay, đại diện của nhiều quốc gia đã tới cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam đối với lập trường của chính phủ họ tại các phiên họp của Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Những câu chuyện ấy nói lên phần nào dấu ấn của Việt Nam trong nhiệm kỳ hai năm đảm nhiệm cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009.

Nhớ lại vào thời điểm này hai năm về trước, Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc như bước vào chiến dịch với hàng loạt cuộc họp, thảo luận và tham khảo ý kiến của phái đoàn đại diện các nước đã từng đảm nhiệm cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Ngay cả cơ cấu tổ chức của Phái đoàn cũng thay đổi.

Lần đầu tiên trong lịch sử Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc có tới ba đại sứ, số cán bộ ngoại giao được tăng cường và Nhóm Hội đồng Bảo an được thành lập để chuyên xử lý các vấn đề liên quan tới hoạt động của Hội đồng Bảo an.

Mỗi sáng Phái đoàn đại diện Việt Nam phải tổ chức hai cuộc giao ban, trong đó có cuộc gặp riêng của Nhóm Hội đồng Bảo an, để thảo luận và chuẩn bị lập trường của Việt Nam trong những vấn đề đang và sắp được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong hai năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động. Khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, kể cả các vấn đề an ninh toàn cầu, phạm vi trách nhiệm của Hội đồng Bảo an.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tới nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu giảm đói nghèo và tác động lớn tới an ninh lương thực, làm trầm trọng thêm căn nguyên của bạo lực và nhiều cuộc xung đột trên thế giới.

Bạo lực và xung đột lan rộng ở nhiều khu vực, nhất là ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Tiến trình hòa bình Trung Đông liên tục bị đẩy ra khỏi quỹ đạo. Cơ chế kiểm soát hạt nhân có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Các chương trình phát triển hạt nhân của Iran và Triều Tiên nhiều lần rơi vào bế tắc.

Nhu cầu gìn giữ hòa bình tăng lên mức cao chưa từng có và Liên hợp quốc đã phải triển khai 117.000 quân nhân, cảnh sát và nhân viên dân sự, mức cao nhất trong lịch sử gìn giữ hòa bình, tới 17 phái bộ ở cả 5 châu lục.

Ngay cả biến đổi khí hậu cũng trở thành vấn đề an ninh toàn cầu, ảnh hưởng tới cuộc sống của cả loài người và đe dọa sự tồn vong của nhiều cộng đồng dân cư ven biển. Những điểm nóng đó cùng với nhiều vấn đề khác nữa đã làm cho hoạt động của Hội đồng Bảo an hai năm qua trở nên dồn dập.

Tuy chỉ giữ cương vị thành viên không thường trực, nhưng Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc.

Đặc biệt trong hai tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (tháng 7/2008 và 10/2009) Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó đáng chú ý là cuộc thảo luận mở ngày 5/10/2009 về chủ đề “Phụ nữ và Hòa bình-An ninh”, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trực tiếp chủ trì.

Hội đồng Bảo an đã thảo luận các vấn đề đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ hậu xung đột, tăng quyền hạn và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hòa bình-an ninh, nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh bền vững. Đây là đề mục được cộng đồng quốc tế quan tâm do nó có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc là bảo vệ phụ nữ và các em gái, những người bị tác động nặng nề nhất của xung đột, đồng thời đề cao trách nhiệm hàng đầu của Hội đồng Bảo an trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam dự thảo và được 20 nước đồng tác giả, đề ra một loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình.

Trong hai tháng Việt Nam làm chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã thảo luận và quyết định hàng loạt vấn đề liên quan tới nhiều điểm nóng như Somalia, Sudan, Cộng hóa dân chủ Congo, Sát và Cộng hòa Trung Phi, Cote d'Ivoire, Afghanistan, Iraq, Trung Đông, Lebanon, Kosovo, Haiti.

Hội đồng Bảo an cũng thảo luận về các hình thức hỗ trợ cho hoạt động gìn giữ hòa bình, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực trong nỗ lực gìn giữ hòa bình và gia hạn hoạt động của nhiều phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở các khu vực.

Tuy đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là trong việc xử lý hiệu quả các công việc của Hội đồng khi Việt Nam giữ cương vị chủ tịch, đã được nhiều nước và nhóm nước đánh giá cao.

Những đóng góp xây dựng của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, thông qua hoạt động của Hội đồng Bảo an, đã góp phần khẳng định thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Hữu Nghị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục