Việt Nam thay mặt ASEAN đưa ra cam kết thúc đẩy bình đẳng giới

Tại lễ khai mạc khóa họp của CSW, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dương thay mặt ASEAN đưa ra cam kết thúc đẩy bình đẳng giới.
Việt Nam thay mặt ASEAN đưa ra cam kết thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước thực trạng nam giới vẫn đóng vai trò chi phối kể cả tại những nước tự coi mình là tiến bộ, thế giới cần phải có nhiều nữ lãnh đạo hơn và cần thêm nhiều nam giới ủng hộ bình đẳng giới. Đây là thông điệp được Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu bật tại phiên khai mạc khóa họp thường niên lần thứ 61 của Ủy ban địa vị phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW).

Phát biểu trước phiên họp thường niên của CSW bắt đầu từ ngày 13/3, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh trao quyền cho phụ nữ đồng nghĩa với việc gỡ bỏ những rào cản cơ cấu. Với việc trong thập niên qua đã có gần 1 tỷ phụ nữ gia nhập nền kinh tế thế giới, việc trao quyền này sẽ giải phóng tiềm năng của tất cả những phụ nữ và trẻ em gái này - và họ sẽ dẫn dắt thế giới tiến tới một tương lai mới.

Ông Guterres cũng trích dẫn một nghiên cứu cho thấy sự bình đẳng giới có thể giúp tốc độ tăng trưởng của thế giới tăng thêm 12.000 tỷ USD cho trong thập niên tới. Ngoài ra, ông nhấn mạnh rằng khi phụ nữ tham gia một cách có ý nghĩa với các tiến trình hòa bình, cơ hội tạo dựng được nền hòa bình bền vững sẽ tăng 35% trong 15 năm tới. Ông đề nghị các nước thành viên Liên hợp quốc nâng tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hiện chỉ có 3%.

Trong một phát biểu khác, Giám đốc Điều hành Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc bà Phumzile Mlambo-Ngcuka đã nêu bật tình trạng tiến triển chậm chạp trong nỗ lực tạo bình đẳng giới. Bà cho biết hiện có hơn nữa số phụ nữ trên toàn thế giới - và ở một số quốc gia tỷ lệ này lên tới 90% - không có công việc chính thức.

Đơn cử như chỉ riêng tại Ấn Độ, có 190 triệu phụ nữ lao động dưới dạng không chính thức. Cũng theo bà Mlambo-Ngcuka, thu nhập của phụ nữ cũng kém một cách rõ rệt so với nam giới. Ngoài ra còn tồn tại vô số khoảng cách, như khả năng tiếp cận các công nghệ số.

Bà cho rằng việc đầu tư để trẻ em gái được giáo dục bài bản trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghệ thuật và toán có thể giúp tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của ngành công nghiệp gia tăng từ mức 25% hiện hành.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cam kết sẽ thông qua Chương trình Nghị sự Phát triển 2030 để nỗ lực đảm bảo rằng trong tương lai thế giới sẽ không còn tình trạng thiếu nhân quyền cơ bản của sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Ông viện dẫn Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 về được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Cũng tại lễ khai mạc khóa họp của CSW, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dương đã có bài phát biểu thay mặt 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN.

Bộ trưởng cho biết các nước thành viên ASEAN đã đạt được nhiều thành công trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp quốc gia và khu vực. Song vẫn còn những hạn chế và rào cản đối với bình đẳng giới cần phải được loại bỏ để đảm bảo cho phụ nữ và nam giới được hưởng những cơ hội kinh tế bình đẳng và mang đến sự thịnh vượng và tăng trưởng bền vững cho ASEAN.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ASEAN sẽ tiếp tục các nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực: Lồng ghép giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, đảm bảo tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề để trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo cho phụ nữ được hưởng thụ đầy đủ các quyền con người và tự do cơ bản.

Trong bài phát biểu quốc gia, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định Việt Nam nhất trí cao với chủ đề của khóa họp, nhấn mạnh nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là cam kết mạnh mẽ và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực này, thể hiện rõ qua việc hoàn thiện và triển khai trên thực tiễn hệ thống luật pháp, chính sách, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về phụ nữ.

Với các nỗ lực của Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên Hợp Quốc Việt Nam đã thực hiện thành công MDG về bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động đạt gần 73%; Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 144 nước về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ/nam là 0,92 - gần tiệm cận mức bình đẳng.

[Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền của phụ nữ]

Nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, tiếp cận thị trường cho phụ nữ, phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, và các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ cũng được triển khai hiệu quả. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn luôn giành nguồn lực lớn cho việc tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Điều này góp phần nâng cao vai trò, địa vị và quyền năng của phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức. Lao động nữ chủ yếu làm trong các ngành, lĩnh vực phi chính thức; hạn chế về cơ hội tiếp cận thu nhập độc lập; vẫn tồn tại khoảng cách về chất lượng việc làm, vị thế công việc và thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ; doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường ở quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp.

Song song với đó, quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ vẫn còn tồn tại cùng với những vấn đề khách quan như: Tiếp cận việc làm, các nguồn lực, thiên tai, dịch bệnh, thị trường lao động, tài chính, và không đáp ứng kịp những thay đổi về việc làm do sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức đáy trong nhiều năm qua, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục, là những thách thức đối với phụ nữ.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm thực hiện mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đang đặt ra những giải pháp gồm hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, tiếp cận với các kỹ năng và đào tạo trong các lĩnh vực mới nổi, đặc biệt là khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; ưu tiên chi tiêu ngân sách cho cơ sở hạ tầng chăm sóc và an sinh xã hội nhằm giúp phụ nữ giảm bớt gánh nặng trong gia đình và tăng cường tiếp cận bảo trợ xã hội; đầu tư nâng cao năng suất và năng lực thu nhập của phụ nữ dựa vào nông nghiệp như là nguồn sinh kế chính và bảo đảm các lao động nữ quy mô nhỏ được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực.

Khóa họp lần thứ 61 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW 61) diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc Niu Oóc, Mỹ từ ngày 13-24/3/2017 với chủ đề “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi.”

Đây là một diễn đàn quan trọng của Liên hợp quốc với sự tham dự đông đảo các đại diện Chính phủ, tổ chức đến từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhà hoạt động về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ từ các khu vực trên toàn thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị do Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm trưởng đoàn.

Trong khuôn khổ của khóa họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có phát biểu tại các cuộc họp cấp cao, các sự kiện bên lề, bao gồm tọa đàm Tăng cường vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam và Lễ công bố Sáng kiến về thập kỷ Nông nghiệp hộ gia đình do Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis chủ trì; Hội thảo “ Giải quyết các hành vi có hại của việc ưa thích con trai và xem nhẹ giá trị của bé gái” do Quỹ phát triển dân số Liên hợp quốc tổ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục