Việt Nam theo đuổi đến cùng vụ kiện đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam

Ở lần kiện thứ 4, Việt Nam kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ, buộc họ phải chịu trách nhiệm cho việc hỗ trợ quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam gây hậu quả nặng nề giai đoạn từ năm 1961-1971.

Hơn 5.000 người đi bộ đồng hành vì nạn nhân độc da cam/dioxin Việt Nam nhân tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Hơn 5.000 người đi bộ đồng hành vì nạn nhân độc da cam/dioxin Việt Nam nhân tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2023. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

“Mặc dù đã 3 lần bị tòa án Mỹ bác đơn kiện nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ kiện, ở lần thứ 4 này, chúng tôi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ, buộc họ phải chịu trách nhiệm cho việc đã hỗ trợ quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/dioxin gây ra hậu quả nặng nề trong giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1971.”

Đây là thông tin được Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết tại buổi giới thiệu Chương trình “Đi bộ đồng hành cùng nạn nhân da cam/dioxin,” ngày 30/7.

Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, gần 20 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nhiều lần nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Mỹ về việc quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/dioxin trên lãnh thổ Việt Nam gây ra hậu quả nặng nề.

Tuy nhiên, đến nay, quân đội Mỹ mới chỉ thực hiện việc tẩy độc môi trường tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng…; còn công tác chăm sóc y tế cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thì không được chấp nhận.

Họ cho rằng các yêu cầu của Việt Nam là thiếu bằng chứng, thiếu căn cứ, do đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chuyển sang kiện 37 công ty hóa chất của Mỹ, buộc các công ty này phải chịu trách nhiệm với tội ác của họ đã hỗ trợ quân đội Mỹ thực hiện rải chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thời kỳ 1961-1971.

Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong 10 năm, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Trong đó có 86% diện tích phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể; từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản.

Đặc biệt, chất độc da cam/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Tại Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Hiện cả nước có khoảng 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và khoảng 500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố cho biết có hơn 20.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin; trong đó có nhiều gia đình có từ 2-3 người bị khuyết tật nặng nề, cuộc sống rất vất vả, khó khăn.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một số nhiệm vụ chiến lược, mang tính bền vững nhằm hỗ trợ, động viên gia đình nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật, tự tin hòa nhập cuộc sống cộng đồng xã hội như: trợ vốn, xây nhà tình thương, sửa chữa chống dột, chăm sóc sức khỏe y tế, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, cấp xe lăn, xe lắc, trợ cấp học bổng Nguyễn Hữu Thọ…

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang triển khai gấp rút xây dựng Dự án Làng Cam với quy mô 50.000m2 nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề cho những nạn nhân chất độc da cam.

Nhân kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm nay (10/8/2024), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố sẽ tổ chức Chương trình đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam tại Công viên Văn hóa Đầm Sen ngày 4/8/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục