Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu

Là nước nằm trong số ít nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, VN đã chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận cấp cao của Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc (COP15) về biến đổi khí hậu và Hội nghị lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP5) tại Copenhagen, Vương quốc Đan Mạch.

Hội nghị Thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi các nước tham dự sẽ đưa ra các thỏa thuận quốc tế mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012, thời hạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto kết thúc.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto; các cơ chế tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính của Nghị định thư Kyoto…

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu tại phiên Toàn thể cấp cao. Đặc biệt Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo bên lề với chủ đề “Việt Nam ứng phó với Biến đổi khí hậu”; tham dự và trình bày báo cáo tại một số hội thảo bên lề với các nội dung về sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto; cam kết giảm khí thải sau năm 2012; chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; các vấn đề về tài chính...

Là nước nằm trong số ít các nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều nước mong muốn Việt Nam là cầu nối giữa các nước đang phát triển và phát triển trong việc thống nhất các quan điểm về hợp tác dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị COP15 lần này, Việt Nam đưa ra 5 quan điểm, đó là tất cả các quốc gia trên thế giới cần chung tay, góp sức trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu; các nước phát triển cần tiên phong đưa ra các cam kết và mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính trung hạn và dài hạn mang tính chất nghĩa vụ nhằm ổn định nồng độ khí thải nhà kính dưới mức 400 phần triệu (ppm) để giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này.

Các quốc gia phát triển cần hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào sự nỗ lực toàn cầu; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục là các văn kiện pháp lý cơ bản cho cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục